Học tập thông minh và hiệu quả: Bí kíp dành cho sinh viên năm nhất

01 tháng 09 năm 2024

Bước chân vào giảng đường đại học có lẽ là một cột mốc quan trọng đối với mỗi người. Chắc hẳn các bạn tân sinh viên hiện tại đang cảm thấy vô cùng háo hức, mong chờ được khám phá những kiến thức mới cùng những trải nghiệm thú vị sắp tới. Tuy nhiên, những lo lắng, bỡ ngỡ khi đối diện với môi trường học tập hoàn toàn mới là điều không thể tránh khỏi. Làm thế nào để làm quen với lượng kiến thức khổng lồ, với phương pháp giảng dạy khác biệt và vượt qua áp lực từ bạn bè và gia đình? Bài viết này sẽ giúp bạn trang bị cho bản thân những phương pháp học tập hiệu quả, để bạn thêm tự tin trên hành trình chinh phục tri thức.

“May mắn chỉ đến với những sẵn sàng” – L. Pasteur

Thành tích cao trong học tập chỉ có thể đạt được bằng sự cố gắng, nỗ lực, không phải là thứ có thể đạt được chỉ bằng vận may. Dù vậy, những công sức bạn bỏ ra chỉ mới là phương tiện để bạn bắt đầu chuyến thám hiểm tri thức của mình, bạn cần phải có cho mình một chiếc la bàn chất lượng là những phương pháp, kỹ năng học tập tối ưu để có thể đi đúng lộ trình, đúng phương hướng. Việc tìm được chiếc la bàn phù hợp ở giai đoạn này không chỉ giúp bạn đạt được kết quả ưng ý trong học tập mà còn là nền tảng vững chắc cho sự nghiệp tương lai.

Lập kế hoạch học tập tốt

Hãy bắt đầu bằng việc lập một kế hoạch học tập chi tiết, một nghiên cứu tại Trường Đại học Wyoming, Washington, D.C. () đã cho thấy rằng nếu sinh viên muốn có định hướng học tập tốt thì việc lập kế hoạch học tập là thiết yếu.

Lập kế hoạch học tập giống như việc xây dựng một bản đồ chỉ đường dẫn đến thành công. Người học có thể xây dựng với ba mức độ chi tiết khác nhau:

  • Kế hoạch dài hạn: giúp xác định mục tiêu tổng quát cho cả học kỳ hoặc năm học dựa trên chương trình đào tạo, có bao gồm mục tiêu của từng tháng, tuần.
  • Kế hoạch trung hạn: để cụ thể hóa các mục tiêu trên thành các nhiệm vụ hàng tuần bằng các danh sách ngắn gọn các sự kiện chính và khối lượng công việc cần phải hoàn thành.
  • Kế hoạch ngắn hạn: tập trung vào các công việc cần hoàn thành trong từng ngày, bạn nên ghi chú các đầu việc ra giấy note, sổ tay để tiện mang theo và gạch ngang khi hoàn thành mỗi việc.

Với ba loại bản đồ này trong tay, sinh viên sẽ không bị lạc đường và dễ dàng đạt được mục tiêu của mình.

Mẫu kế hoạch học tập cho sinh viên (Nguồn: )

Để xây dựng được một kế hoạch học tập tối ưu, sinh viên cần xác định được mục tiêu học tập cụ thể và rõ ràng. Dựa theo nghiên cứu của Ogbeiwi Osahon (), mục tiêu học tập là kết quả mà người học mong muốn đạt được sau quá trình học. Nó là một dấu mốc rõ ràng, giúp định hướng cho quá trình học tập của mỗi người. Nói cách khác, mục tiêu học tập là một tuyên bố về những gì người học muốn đạt được về kiến thức và kỹ năng.

Việc đặt ra những mục tiêu cụ thể và đo lường được là vô cùng quan trọng. Thay vì những mục tiêu chung chung như "thành thạo tiếng Anh" hay "nắm vững kiến thức học phần Toán cao cấp", hãy thử áp dụng phương pháp SMART. Mỗi mục tiêu được đề ra cần đáp ứng những yếu tố sau: cụ thể (Specific), đo lường được (Measurable), có thể đạt được (Attainable), thực tế (Realistic) và có thời hạn (Timebound).

Ví dụ, thay vì "thành thạo tiếng Anh", bạn có thể đặt ra mục tiêu "đạt 7.0 IELTS vào tháng 4 năm 2025 bằng cách học từ vựng mới mỗi ngày, làm 2 bài luyện tập IELTS Reading và Writing mỗi tuần và tham gia lớp học giao tiếp trực tuyến 1 buổi/tuần".

Tương tự, hãy thay mục tiêu "nắm vững kiến thức học phần Toán cao cấp" bằng "giải xong 30 bài tập trong tài liệu hướng dẫn ôn tập trước ngày 20/11 và đạt điểm 9 trở lên trong bài kiểm tra cuối kỳ".

Khi mục tiêu càng cụ thể, khả thi và có thời hạn, bạn sẽ càng có động lực và dễ dàng theo dõi tiến độ của mình.

Mô hình SMART (Nguồn: )

Bên cạnh đó, việc tạo ra một không gian học tập lý tưởng cũng rất quan trọng. Chọn một góc học tập yên tĩnh, đủ ánh sáng, sắp xếp đồ dùng gọn gàng và loại bỏ mọi yếu tố gây xao nhãng như điện thoại, mạng xã hội. Đừng quên thưởng cho bản thân khi đạt được mục tiêu để tạo động lực. Ngoài ra, việc duy trì một chế độ sinh hoạt lành mạnh, ăn uống đủ chất và ngủ đủ giấc cũng rất quan trọng để đảm bảo bạn luôn có một đầu óc tỉnh táo và một cơ thể khỏe mạnh sẵn sàng cho hành trình làm chủ tri thức.

Các kỹ năng học tập hiệu quả

Sau khi đã vạch ra những kế hoạch chi tiết và chỉn chu, tiếp theo, bạn cần nắm được những kỹ năng cần thiết để mọi thứ diễn ra đúng như dự định.

Ghi chép thông minh

Khác với khi các bạn còn học ở trường THPT, khối lượng kiến thức cần phải tiếp thu trong một buổi học của chương trình đào tạo cử nhân là rất lớn. Điều này đòi hỏi bạn cần phải biết cách để ghi chú bài học sao cho thật nhanh chóng mà vẫn đảm bảo đầy đủ nội dung.

Ghi chép không đồng nghĩa với việc viết lại mọi thứ mà bạn nghe được hay quan sát được. Zhang () cho rằng ghi chép là hành động viết ra ý chính và điểm quan trọng của thông tin được tiếp nhận.

3 bước để ghi chú thông tin hiệu quả:

  • Paraphrasing (diễn đạt lại): Việc thụ động sao chép từng từ một không chỉ khiến quá trình học trở nên nhàm chán mà còn hạn chế khả năng ghi nhớ lâu dài. Khi viết lại bằng ngôn ngữ của riêng mình, sinh viên buộc phải suy nghĩ sâu hơn về nội dung, từ đó tạo ra những kết nối ý tưởng mới mẻ và độc đáo. Điều này không chỉ giúp họ hiểu bài sâu sắc hơn mà còn kích thích khả năng sáng tạo (Haynes et al, ).
  • Reviewing (ôn lại/rà soát lại): Nghiên cứu của Kobayashi () chỉ ra rằng ghi chép chỉ có giá trị khi được kết hợp với việc ôn tập thường xuyên. Do đó, bạn nên xem lại bài ghi sau mỗi buổi học để tăng cường hiệu quả ghi nhớ và nắm bắt thông tin.
  • Recording relevant information (ghi chú những thông tin liên quan): Haynes và cộng sự () cũng đã phát hiện ra rằng ghi chép trong suốt bài giảng có thể cải thiện hiệu suất học tập nếu sinh viên biết cách lựa chọn những thông tin quan trọng nhất. Nghiên cứu cho thấy việc ghi chép quá nhiều thông tin không nhất thiết dẫn đến kết quả tốt hơn. Thay vào đó, sinh viên cần tập trung vào việc ghi lại những ý chính và các ví dụ minh họa liên quan đến bài học.

Ngoài ra, bạn có thể sử dụng sơ đồ tư duy, phương pháp Cornell và flashcard như là các công cụ hữu hiệu cho quá trình ghi chép.

  • Sơ đồ tư duy: giúp hình dung rõ ràng mối liên hệ giữa các khái niệm, tạo nên một bản đồ kiến thức trực quan. Để tạo một sơ đồ tư duy hiệu quả, bạn bắt đầu bằng việc xác định ý tưởng chính đặt tại trung tâm. Từ đó, bạn phân chia ý tưởng chính thành các nhánh lớn, đại diện cho các ý chính liên quan. Mỗi nhánh lớn lại được chia nhỏ thành các nhánh nhỏ hơn để đi sâu vào chi tiết. Để tăng tính trực quan và dễ nhớ, hãy sử dụng màu sắc và hình ảnh minh họa cho các ý tưởng. Quan trọng hơn, sơ đồ tư duy không phải là một sản phẩm cố định mà là một công cụ linh hoạt. Bạn có thể liên tục bổ sung, điều chỉnh và cập nhật sơ đồ theo sự hiểu biết mới (Farrand et al, ).
  • Phương pháp Cornell: Cornell Notes là một phương pháp để ghi chép được phát minh vào những năm 1950 bởi giáo sư Walter Pauk thuộc trường Đại học Cornell. Thay vì ghi chép theo dòng như thông thường, bạn sẽ chia trang giấy thành các phần riêng biệt: phần ghi chú chính, phần gợi ý và phần tóm tắt. Phần ghi chú chính dùng để ghi lại nội dung bài giảng hoặc tài liệu đọc. Phần gợi ý dùng để viết các câu hỏi, từ khóa liên quan đến nội dung chính. Cuối cùng, phần tóm tắt giúp bạn tổng kết lại toàn bộ bài học. Phương pháp này sẽ giúp bạn thuận tiện tóm tắt ý chính, ghi chú ý phụ và đặt câu hỏi để củng cố kiến thức (Alzubi, Mohammad, )

Cấu trúc của một tờ ghi chép Cornell (Nguồn: )

  • Flashcard: Phương pháp học tập bằng flashcard sẽ giúp bạn ghi nhớ kiến thức một cách nhanh chóng và hiệu quả. Bằng cách tự tạo hoặc sử dụng các bộ flashcard có sẵn, bạn có thể chủ động ôn tập các khái niệm, công thức, từ vựng một cách linh hoạt, bất cứ khi nào có thời gian rảnh (Lin et al, )

Kỹ năng tư duy phản biện

Tư duy phản biện, theo Beyer (), là quá trình đánh giá tính xác thực và giá trị của thông tin. Nói một cách đơn giản, đó là khả năng phân tích, đặt câu hỏi và đưa ra kết luận dựa trên logic và bằng chứng. Để rèn luyện kỹ năng này, cần thường xuyên đặt câu hỏi về những gì mình đọc, nghe và thấy, tránh việc chấp nhận mọi thông tin một cách mù quáng.

Tư duy phản biện đóng vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình học tập của sinh viên. Nó không chỉ giúp bạn hiểu sâu kiến thức một cách hệ thống mà còn trang bị cho bạn những kỹ năng cần thiết để giải quyết vấn đề, giao tiếp hiệu quả và tư duy độc lập. Thay vì thụ động tiếp nhận thông tin, tư duy phản biện khuyến khích quá trình chủ động tìm kiếm, lý giải và đánh giá thông tin, từ đó hình thành nên một tư duy sáng tạo và linh hoạt.

Các công cụ hỗ trợ học tập

Bên cạnh các kỹ năng, sử dụng những công cụ sau cũng giúp ích rất nhiều cho quá trình học tập của các bạn sinh viên.

- Các ứng dụng quản lý thời gian và công việc như Trello, Notion, Google Calendar:

  • Lên kế hoạch học tập: Phân chia thời gian cho từng môn học, từng bài tập lớn.
  • Sắp xếp công việc: Tạo các danh sách việc cần làm, theo dõi tiến độ hoàn thành.
  • Đặt mục tiêu: Xác định những mục tiêu học tập ngắn hạn và dài hạn.
  • Cộng tác nhóm: Chia sẻ kế hoạch, theo dõi tiến độ của nhóm.

- Các nền tảng học tập trực tuyến như Coursera, edX, Udemy:

  • Khoá học đa dạng: Từ các khóa học cơ bản đến nâng cao, từ các lĩnh vực khoa học, công nghệ đến kinh doanh, nhân văn.
  • Giảng viên chất lượng: Nhiều khóa học được giảng dạy bởi các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực.
  • Lộ trình học tập linh hoạt: Học mọi lúc mọi nơi, với tốc độ phù hợp.
  • Chứng chỉ hoàn thành: Nhận được chứng chỉ sau khi hoàn thành khóa học.

- Các công cụ ghi chú và sơ đồ tư duy như Evernote, MindMeister:

  • Ghi chú nhanh chóng: Ghi lại các ý tưởng, thông tin quan trọng một cách dễ dàng.
  • Tổ chức thông tin: Tạo các sơ đồ tư duy, bảng biểu để hệ thống hóa kiến thức.
  • Tìm kiếm thông tin: Tìm kiếm nhanh chóng các ghi chú đã lưu.
  • Chia sẻ thông tin: Chia sẻ ghi chú với bạn bè.

Việc kết hợp sử dụng các công cụ này không chỉ giúp sinh viên tiết kiệm thời gian mà còn tăng cường tính chủ động, sáng tạo trong học tập. Sinh viên có thể tùy chỉnh các công cụ này để phù hợp với phong cách học tập riêng của mình, tạo ra một môi trường học tập cá nhân hóa và hiệu quả.

Để tối ưu hóa quá trình học tập, bạn nên dành thời gian tìm hiểu và làm quen với các tính năng của từng công cụ để khai thác tối đa tiện ích. Bên cạnh đó, không nên quá phụ thuộc vào một công cụ duy nhất mà hãy kết hợp nhiều công cụ khác nhau để tạo ra một hệ thống học tập linh hoạt.

Tổng kết

Học tập là một quá trình không ngừng tìm tòi và khám phá. Việc xây dựng những thói quen học tập tốt, rèn luyện các kỹ năng cần thiết sẽ giúp bạn đạt được những thành công trong học tập.

Bài viết này chỉ đưa ra một số gợi ý, mỗi người sẽ có một phương pháp học tập phù hợp với bản thân. Bạn nên nhớ học tập là một quá trình lâu dài, không có công thức thần kỳ nào giúp bạn thành công ngay lập tức. Đừng ngần ngại tìm kiếm sự trợ giúp của thầy cô, bạn bè, gia đình khi gặp khó khăn. Và đừng quên dành thời gian cho bản thân, tham gia các hoạt động ngoại khóa để thư giãn và giải tỏa căng thẳng.

Chúc các bạn tân sinh viên có một hành trình học tập thật thú vị và đáng nhớ!

Tin, ảnh: Phòng Chăm sóc và hỗ trợ người học (DSA)

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]. Al-alawneh, Muhammad & Al-Hawamleh, Mahir & al-jamal, Dina & Sasa, Ghada. (2019). Communication Skills in Practice. International Journal of Learning, Teaching and Educational Research. 18. 1-19. 10.26803/ijlter.18.6.1.

[2]. Alzubi, Mohammad. (2019). The Influence of Suggested Cornell Note-taking Method on Improving Writing Composition Skills of Jordanian EFL Learners. Journal of Language Teaching and Research. 10. 863. 10.17507/jltr.1004.26.

[3]. Beyer, B. K. (1985). Critical thinking: what is it? Social Education, 49(4), 270-276.

[4]. Farrand, Paul & Hussain, Fearzana & Hennessy, Enid. (2002). The efficacy of the 'mind map' study technique. Medical education. 36. 426-31. 10.1046/j.1365-2923.2002.01205.x.

[5]. Fisher R. (2002), Dạy trẻ học, Dự án Việt - Bỉ.

[6]. Haynes, Jeremy & Mccarley, Nancy & Williams, Joshua. (2015). An Analysis of Notes Taken During and After a Lecture Presentation. North American Journal of Psychology. 17. 175-186.

[7]. Kobayashi K (2005). What limits the encoding effect of note-taking? A meta-analytic  examination.Contemporary  Educational  Psychology 30(2):242-262. //doi.org/10.1016/j.cedpsych.2004.10.001

[8]. Lin, Chelsea & Mcdaniel, Mark & Miyatsu, Toshiya. (2018). Effects of Flashcards on Learning Authentic Materials: The Role of Detailed Versus Conceptual Flashcards and Individual Differences in Structure-Building Ability. Journal of Applied Research in Memory and Cognition. 7. 10.1016/j.jarmac.2018.05.003.

[9]. Ogbeiwi Osahon. (2017). Why written objectives need to be really SMART. British Journal of Healthcare Management. 23. 324-336. 10.12968/bjhc.2017.23.7.324.

[10]. US Fed News Service (2007), Next phase of academic planning at University of Wyoming unveiled, Academic research library, Washington D. C; / American School & University (2010).../ Shearer, C. (2009).

[11]. Zhang  Y  (2012).  The  impact  of  listening  strategy  on  listening comprehension. Theory and Practice in Language Studies 2(3):625-629. .

[12]. Website Trường đại học Virginia Tech, bang Virginia, USA: , truy cập ngày 05/09/2024.

[13]. Website ATLASSIAN Trello: , truy cập ngày 09/09/2024.

[14]. Website Notion: , truy cập ngày 09/09/2024.

[15]. Website Google Calendar: , truy cập ngày 09/09/2024.

[16]. Website Coursera: , truy cập ngày 09/09/2024.

[17]. Website edX: , truy cập ngày 09/09/2024.

[18]. Website Udemy: , truy cập ngày 09/09/2024.

[19]. Website Evernote: , truy cập ngày 09/09/2024.

[20]. Website MindMeister: , truy cập ngày 09/09/2024.

Chia sẻ