Tìm hiểu ảnh hưởng của Hiệu ứng tâm lý đến việc học ngoại ngữ
10 tháng 08 năm 2023
Khi nói đến việc học ngoại ngữ, Hiệu ứng tâm lý (Psychological Effects) dường như là yếu tố gây trở ngại bí ẩn nhất. Bài viết này đề cập một cách tổng quát những khó khăn mà người học gặp phải, đồng thời đưa ra cách giải quyết giúp người học hiểu rõ hơn về hiệu ứng tâm lý và ảnh hưởng của chúng đến quá trình học ngoại ngữ.
Người học ngoại ngữ có những rào cản phổ biến nào?
Học ngoại ngữ là cuộc hành trình dài và gian khổ, đòi hỏi nhiều thời gian và công sức. Chính vì thế, bước đi đầu tiên luôn là bước khó khăn nhất. Trong giai đoạn đầu học tiếng Anh, người học thường sợ mắc lỗi và không tin tưởng vào bản thân cũng như khả năng của mình. Song, có những người để ý đến ánh nhìn và suy nghĩ của người khác khi mình sử dụng tiếng Anh, trở nên tự ti bởi những lời phán xét. Điều này vô tình làm kìm hãm quá trình tiến bộ khi học ngoại ngữ.
Đến với mức độ cao hơn, một học viên tiếng Anh với trình độ trung cấp biết khoảng 6000 đến 8000 từ vựng, còn một người thành thạo biết khoảng 20000 từ vựng (Alex Darin, 2023). Tuy nhiên, nhiều người lại quá lười biếng để chủ động ghi nhớ hoặc tạo thói quen tự học từ vựng. Bên cạnh đó, tính trì hoãn cũng là vấn đề chung mà các bạn học ngoại ngữ hay gặp phải.
Để vượt qua những rào cản phổ biến trên, bài viết sẽ cùng tìm hiểu 04 hiệu ứng tâm lý có thể sẽ giúp ích cho bạn trong việc học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh. Mỗi hiệu ứng tâm lý sẽ giúp bạn khắc phục vấn đề cụ thể bằng cách thay đổi góc nhìn của bạn, thông qua đó định hình và thay đổi và hành vi giúp tạo nên thói quen ngôn ngữ.
Hiệu ứng ý định thực hiện
Hiệu ứng ý định thực hiện (Implementation intention effect) là một chiến lược tự điều chỉnh bản thân dưới dạng “kế hoạch nếu-thì”, vừa giúp đạt được mục tiêu vừa giúp sửa đổi thói quen và hành vi (Gollwitzer, P. M., & Oettingen, G. 2011). Nó phụ thuộc vào ý định của người đặt mục tiêu bởi vì xác định thời gian, địa điểm và cách thức hướng tới mục tiêu được thiết lập rõ ràng. Nói một cách dễ hiểu, hiệu ứng ý định thực hiện là một hiệu ứng giúp đặt mục tiêu bằng cách xác định các bước cần thiết để đạt được nó.
Tuy nhiên, khi đặt mục tiêu hay phát triển một thói quen mới, mọi người thường tập trung vào kết quả thay vì các bước cần làm để đạt được. Ví dụ như, bạn đặt mục tiêu học 500 từ vựng trong 30 ngày, nhưng thực tế lại trì hoãn theo từng ngày và mục tiêu tồn đọng trở nên “vô vọng”. Đây là lúc hiệu ứng "ý định thực hiện" cần được chú ý để tối ưu hóa và giúp người học đạt được mục tiêu của mình. Đối với trường hợp trên, sau khi xác định mục tiêu “500 từ một tháng”, bạn phải tìm ra cách thực hiện nó bằng cách tự hỏi bản thân những câu hỏi như: “Tôi có thể học bao nhiêu từ một ngày?” hoặc “Khi nào tôi có thể dành thời gian cho việc học từ?”.
Hiệu ứng "ý định thực hiện" giúp người học tối ưu hóa mục tiêu của mình
Hiệu ứng Galatea
Trong thần thoại Hy Lạp, Galatea là bức tượng được điêu khắc bởi vua Pygmalion cổ đại. Sau khi điêu khắc nàng, Pygmalion đem lòng yêu Galatea và cầu nguyện các vị thần, xin họ cho cô được sống. Nữ thần Aphrodite đã đáp lại lời cầu nguyện của ngài và hai người họ sống hạnh phúc mãi mãi. Bắt nguồn từ câu chuyện này, hiệu ứng Galatea đề cập đến việc niềm tin vào khả năng của bản thân sẽ ảnh hưởng đến hiệu suất (irjmets, 2023). Nói cách khác , bạn càng tự tin vào khả năng đạt được mục tiêu của mình thì khả năng bạn biến chúng thành hiện thực càng cao. Sợ hãi và nghi ngờ bản thân là những trở ngại mà chúng ta phải đối mặt để thành công, nhưng bằng cách tin vào chính mình, chúng ta có thể vượt qua chúng. Ngược lại, nếu bạn không tin rằng mình có thể và xứng đáng đạt được điều gì đó, thì có lẽ bạn sẽ không làm được.
Vậy làm thế nào để áp dụng hiệu ứng Galatea vào hành trình học tiếng Anh? Tính khả thi, năng lực và phần thưởng là những gì chúng ta phải xác định. Tính khả thi có nghĩa là bạn phải vạch ra những mục tiêu khả thi và có thể đạt được, ví dụ, một người mới bắt đầu không nên bắt bản thân phải đạt được band 8.0+ IELTS trong 1 tháng. Thay vào đó, hiểu và sử dụng tiếng Anh ở mức cơ bản mới là điều mà người đó nên hướng tới. Năng lực liên quan đến việc xác định và phát huy những kỹ năng giúp đạt được mục tiêu. Ví dụ: “Tôi giỏi giao tiếp và tôi thích kết bạn mới nên tôi tối ưu hóa thế mạnh của mình khi học tiếng Anh bằng cách kết bạn với người bản ngữ qua các nền tảng mạng xã hội”. Và cuối cùng, Phần thưởng hay sự tự nhận thức, đánh giá bản thân và tìm ra bạn là ai, bạn có thể làm gì và bạn xứng đáng với điều gì.
Hiệu ứng ánh đèn sân khấu (Spotlight Effect)
Hiệu ứng ánh đèn sân khấu (Spotlight Effect) là hiện tượng phóng đại quá mức việc người khác chú ý đến ngoại hình hoặc hành vi của họ (Calderaro, 2021). Hiệu ứng này thường xuyên xuất hiện khi người học sử dụng tiếng Anh hoặc bất kỳ ngoại ngữ nào để giao tiếp với người khác, họ cảm thấy xấu hổ và tự ti mỗi khi mắc lỗi, nói lắp, giọng địa phương,..., thay vì thể hiện bản thân một cách tự tin. (Özdem-Mertens và cộng sự, 2022).
Hiệu ứng ánh đèn sân khấu xảy ra khi “người trình diễn” không kiểm soát được hành động thói quen do áp lực từ ánh nhìn của “khán giả”
Hiệu ứng này là con dao hai lưỡi, giúp chúng ta tự nhận thức về phong cách giao tiếp ngôn ngữ của mình để thể hiện tốt hơn trước đám đông, nhưng cũng khiến chúng ta lo lắng vô căn cứ. Giải pháp tốt nhất là luyện tập với bạn bè hoặc thành viên gia đình trước và hỏi họ về những cử chỉ, tác phong của mình. Sau đó, hãy cố gắng kiểm soát những tật xấu khi lo lắng và luyện tập càng nhiều để làm quen với “ánh đèn sân khấu” nhé.
Hiệu ứng kiểm tra (Testing effect)
Còn được biết đến với tên gọi Chủ động gợi nhớ (Active Recall), hiệu ứng này cho biết khi chủ động truy xuất thông tin từ bộ nhớ, trí nhớ dài hạn sẽ được cải thiện tốt hơn (Akresh-Gonzales và cộng sự, 2015). Mỗi khi thông tin được truy xuất, giữa các xi-náp trong não sẽ tạo ra kết nối mới và củng cố thêm cho ký ức cũ, cho phép việc truy xuất diễn ra dễ dàng hơn trong tương lai (edX, 2011). Vì thế, việc học tài liệu một cách thụ động chỉ hỗ trợ cho việc ghi nhớ tạm thời, nhưng làm các bài kiểm tra kiến thức sẽ giúp khắc ghi thông tin tốt hơn về lâu dài.
Người học sau khi làm bài kiểm tra có khả năng ghi nhớ tốt hơn so với sau khi đọc tài liệu hai lần (Ảnh từ meta.vn)
Trong hiệu ứng ánh đèn sân khấu đã được đề cập phía trên, người học cần lặp đi lặp lại việc luyện nói để tạo thói quen. Trong khi đó, Hiệu ứng kiểm tra không cho chúng ta biết trước đáp án mà phải chủ động gợi nhớ lại những kiến thức đã học từ trong đầu. Có nhiều phương pháp khác nhau để học ngoại ngữ bằng cách áp dụng Hiệu ứng kiểm tra. Một trong những cách đó là Flashcard - loại thẻ với một mặt chỉ chứa các thuật ngữ hoặc từ vựng. Khi sử dụng Flashcard, bạn cần chủ động nhớ lại nghĩa và ví dụ của từ vựng trước khi lật sang mặt sau, giúp chúng ta kiểm tra lại kiến thức và ghi nhớ lâu hơn. Bên cạnh đó, những ứng dụng như Kahoot, Quizlet, Quizizz,… có thể cung cấp nền tảng trực tuyến cho phép chúng ta ôn tập dưới dạng câu hỏi trắc nghiệm. Ngoài ra, việc kết hợp Hiệu ứng kiểm tra với phương pháp Lặp lại ngắt quãng (Spaced Repetition) cũng là một ý tưởng tuyệt vời cho việc học ngoại ngữ (Delaney và cộng sự, 2010).
Sau khi tìm hiểu về một số hiệu ứng tâm lý có thể ảnh hưởng đến quá trình học ngoại ngữ, hy vọng rằng bạn có thể liên hệ với bản thân và áp dụng chúng một cách phù hợp để tối ưu hóa quá trình học tập của mình. Trì hoãn, nghi ngờ bản thân, thiếu tự tin và việc ghi nhớ là bốn khó khăn mà người học ngoại ngữ có thể vượt qua khi vận dụng hợp lý những hiệu ứng tâm lý kể trên.
Nếu bạn là người học UEH và có mong muốn cải thiện khả năng ngoại ngữ của mình, đừng quên tương tác và theo dõi fanpage Công viên tiếng Anh để cập nhật thông tin mới nhất về các hoạt động tiếng Anh tại UEH. Với nhiều hình thức và chủ đề thiết thực, UEH English Zone sẽ là nơi giúp bạn hứng thú với việc học và sử dụng ngoại ngữ và nâng cao giá trị bản thân trong môi trường hội nhập năng động như hiện nay!
Tin ảnh: Phòng Chăm sóc và hỗ trợ người học (DSA)
Tài liệu tham khảo
Akresh-Gonzales, J., Manager, E. S., & Education, N. G. (2015, May 14). What Is the Testing Effect, and How Does It Affect Learning, Knowledge, and Retention? NEJM Knowledge+. //knowledgeplus.nejm.org/blog/what-is-the-testing-effect-and-how-does-it-affect-learning-knowledge-and-retention/
Calderaro, R. (2021, March 27). Reducing Social Anxiety: The Spotlight Effect. Www.cabrini.edu. //www.cabrini.edu/blog/2020-2021-blogs/reducing-social-anxiety-the-spotlight-effect
Darin, A. (2023, January 17). English Language Levels. Etalkschool.com. //etalkschool.com/english-language-levels/
Delaney, P., Verkoeijen, P., & Spirgel, A. (2010). Spacing and Testing Effects: A Deeply Critical, Lengthy, and At Times Discursive Review of the Literature. Psychology of Learning and Motivation, 53. //doi.org/10.1016/S0079-7421(10)53003-2
edX. (2011). What Is the Testing Effect and How Can You Apply It in Your Approach to Educating? Teach.com. //teach.com/what/teachers-know/testing-effect/
Implementation Intention. (n.d.). Academic Accelerator. //academic-accelerator.com/encyclopedia/implementation-intention
Johnson, C. I., & Mayer, R. E. (2009). A testing effect with multimedia learning. Journal of Educational Psychology, 101(3), 621–629. //doi.org/10.1037/a0015183
Özdem-Mertens, C., Meshi, D., Inchauspé, A., & Tamir, D. (2022). The reverse spotlight effect: Failing to notice what others notice about us. Journal of Experimental Social Psychology, 38(1), 93–99.
Pygmalion and Galatea Effects. (n.d.). Otolo. Retrieved July 27, 2023, from //www.myotolo.com/otolo-mentors/pygmalion-and-galatea-effects
What is the Galatea Effect? Transform Your Students into Self-Fulfilling Prophecies - DigiNo. (2022, May 31). Digino. //digino.org/galatea-effect/
Chia sẻ