Liệu bạn có đang là “chú tắc kè hoa” giữa mạng lưới thông tin thời đại 4.0?
28 tháng 03 năm 2022
Với bản chất “phẳng” và không biên giới của cuộc cách mạng công nghệ số, chỉ với vài cú click chuột, gần như ta đã có thông tin của cả thế giới. Điều này mang đến những tác động vô cùng tích cực cho cuộc sống con người, tuy nhiên nó cũng đang dần thay đổi hành vi của chúng ta khi tiếp cận với thông tin. Liệu khi “bơi” trong bể thông tin ấy, chúng ta có thể tự mình chọn lọc và kiểm soát chúng hay dần trở nên thụ động trước thông tin mà chúng ta đọc và nghe hằng ngày và tự biến mình thành một “tắc kè hoa” - hòa mình vào những luồng thông tin đó?
Tại sao lại là “tắc kè hoa”?
Tắc kè ẩn mình trong những chiếc lá khô
(Nguồn: Tờ báo Daily Mail)
Một chú tắc kè hoa luôn biến đổi màu sắc của bản thân để hòa nhập với môi trường và bảo vệ chính bản thân mình có lẽ là một hình ảnh ví von đầy ý nghĩa cho người trẻ trong cuộc sống muôn hình vạn trạng và có tốc độ thay đổi chóng mặt như hiện nay. Thế nhưng là một tắc kè hoa luôn luôn thay đổi với môi trường mới không phải lúc nào cũng mang đến kết quả tích cực, đặc biệt là trong việc tiếp nhận thông tin trong xã hội hiện đại.
Mạng lưới thông tin hiện nay không chỉ được thể hiện dưới dạng văn bản mà còn vô cùng phát triển dưới dạng âm thanh, hình ảnh, video, … Các phương tiện để người dùng truyền tải và tiếp nhận thông tin cũng đặc biệt trở nên phong phú, từ sách vở, báo chí cho đến các các mạng xã hội như Facebook, Instagram, Tiktok, Youtube… Quan trọng hơn hết, giữa biển thông tin ấy, sẽ có những thông tin đúng, có những thông tin mang quan điểm cá nhân, hay những thông tin chưa được xác thực… Nếu ai ai trong chúng ta cũng là một tắc kè hoa, luôn tiếp nhận, hòa nhập cùng những thông tin ấy thì liệu có phải rằng chúng ta đang tiếp nhận thông tin một cách không có chọn lọc?
Làm thế nào để tháo tung thao túng?
Nhiều người sử dụng mạng xã hội cho rằng các phương tiện truyền thông ngày càng độc hại, hay sự ra đời của cụm từ “đại dịch thông tin” khiến nhiều người trở nên lo lắng khi đón nhận các thông tin. Nếu bạn cũng đang cảm thấy mạng lưới thông tin thời 4.0 đang thao túng nhận thức của bản thân, hãy là người chủ động lựa chọn thông tin.
Bàn cân giữa ý kiến của tác giả và ý kiến của chính bạn
(Nguồn: //www.freepik.com/)
Việc nhận thức được rằng các thông tin xung quanh đều có thể mang quan điểm cá nhân là một trong những việc quan trọng, giúp ta tránh bị cuốn vào lối mòn tư duy. Khi tiếp nhận một thông tin mới, hãy tiếp nhận ý kiến của tác giả một cách khách quan và cởi mở. Tuy nhiên, để không hoàn toàn bị xâm lấn, hãy tự đặt ra cho mình các câu hỏi, áp dụng tư duy phản biện để có được cái nhìn riêng của bản thân về vấn đề.
Thật khó để có thể đem ra cân đo giữa 2 luồng ý kiến của tác giả và bản thân, tuy nhiên đây cũng chính là bước đầu để ta không bị điều khiển bởi thông tin và hướng đến việc tìm hiểu dữ liệu chính xác nhất để tiếp thu.
Thanh lọc nguồn thông tin để thanh lọc tâm hồn
Mỗi chúng ta khi tiếp cận thông tin đều có mục đích riêng như phục vụ học tập, công việc hay mang tính giải trí, giảm stress. Vì thế, hãy tiếp nhận thông tin từ những địa chỉ cung cấp thông tin uy tín, chất lượng. Đừng để những luồng thông tin không tốt ảnh hướng đến tâm trạng và nhận thức của bạn bằng cách bỏ theo dõi, ngừng quan tâm những thông tin độc hại, tiêu cực, mà hãy tự tạo nên một vùng thông tin trong sạch, hữu ích cho chính mình.
Tăng sức đề kháng trước “đại dịch thông tin”
(Nguồn: //www.freepik.com/)
Cũng giống như tính nghiêm trọng của đại dịch COVID-19, đại dịch thông tin đang ngày càng gặm nhấm cách tiếp nhận thông tin và thay đổi nhận thức, hành vi của con người. Hãy tích lũy cho mình một nền tảng kiến thức, kinh nghiệm nhất định để có thể tỉnh táo phân biệt giữa thông tin đúng và sai sự thật. Bên cạnh đó để không bị lạc trong vòng xoáy của ma trận thông tin, mỗi cá nhân cần rèn luyện cho mình các kỹ năng cần thiết như khả năng tìm và chắt lọc thông tin, tư duy phản biện, kỹ năng phân tích, tổng hợp thông tin…. như một hàng rào bảo vệ chính mình.
Sự bùng nổ thông tin trong xã hội hiện tại là một điều không thể tránh khỏi, mỗi chúng ta cũng không thể hoàn toàn tách mình ra khỏi những nguồn thông tin xấu. Chính vì vậy, hãy là cá nhân tỉnh táo để sống trong một xã hội thông minh, biết cách chọn lọc và tiếp nhận thông tin một cách đúng đắn và hiệu quả, đồng thời nâng cao nhận thức của mọi người xung quanh. Từ đó, cùng nhau xây dựng cộng đồng, mạng lưới thông tin sạch, tận dụng sự phát triển của thông tin thời 4.0 cho sự phát triển của chính chúng ta và cộng đồng.
Tin, ảnh: Phòng Chăm sóc và hỗ trợ người học
Chia sẻ