SOG talk 2021: "AI World Society and the Age of Global Enlightenment - Xã hội trí tuệ nhân tạo và Kỷ nguyên khai sáng toàn cầu"

21 tháng 12 năm 2021

Ngày 17/12/2021, Trường Kinh tế, Luật và Quản lý Nhà nước UEH (CELG) đã tổ chức chương trình SOG talk 2021: “Xã hội trí tuệ nhân tạo và kỷ nguyên khai sáng toàn cầu” với sụ hội tụ của các chuyên gia trong và ngoài nước. Chương trình là cầu nối trao đổi, gắn kết đa chiều giữa các góc nhìn hàn lâm và thực tiễn trong kỷ nguyên khai sáng toàn cầu.

Về phía Trường Kinh tế, Luật và Quản lý Nhà nước UEH (CELG) có sự tham dự của TS. Đinh Công Khải - Phó Hiệu trưởng; TS. Phạm Khánh Nam - Phó Hiệu trưởng; TS. Dương Kim Thế Nguyên - Trưởng Khoa Luật; TS. Võ Tất Thắng - Phó Trưởng Khoa Kinh tế. Ngoài ra, chương trình còn có sự tham dự của các Thầy/Cô thuộc CELG cùng các chuyên gia khách mời trong và ngoài nước.

Diễn giả khách mời của chương trình là ông Nguyễn Anh Tuấn - Giám đốc Diễn đàn Toàn cầu Boston (BGF), đồng sáng lập Thành phố AIWS (AIWS City), Nhà sáng lập và Tổng biên tập VietNamNet (1997-2011).

Ông Nguyễn Anh Tuấn trình bày tại workshop

Xuyên suốt chương trình, diễn giả khách mời đã trình bày những nội dung cốt lõi của Xã hội trí tuệ nhân tạo (AIWS) và Kỷ nguyên khai sáng toàn cầu. Các đại biểu tham dự cùng tìm hiểu và trao đổi về bối cảnh ra đời AIWS cũng như sáng kiến Liên hiệp quốc 100 năm. Các học giả đã đưa ra những quan điểm, thảo luận sâu về mô hình 7 lớp của AIWS xoay quanh: (1) Khế ước xã hội cho kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo, (2) Nền tảng hiệp định và luật toàn cầu về trí tuệ nhân tạo, (3) Chính phủ trí tuệ nhân tạo, (4) Công dân và trợ lý trí tuệ nhân tạo, (5) Ghi nhận và đãi ngộ cho những người có đóng góp đổi mới chính trị xã hội, (6) Nguyên lý Giáo dục Xã hội trí tuệ nhân tạo, và (7) Mô hình thực tiễn: Thành phố Xã hội trí tuệ nhân tạo (AIWS City).

Với sáng kiến Liên hiệp quốc 100 năm, ông Nguyễn Anh Tuấn đã trình bày những nội dung xoay quanh định nghĩa về kỷ nguyên khai sáng cũng như những trụ cột trong tạo dựng kỷ nguyên khai sáng toàn cầu bao gồm: (1) Chính trị, (2) Luật pháp và quản trị toàn cầu, (3) Kinh tế toàn dân sáng tạo - hệ sinh thái để mỗi người là một nhà sáng tạo, (4) Giáo dục khai sáng toàn cầu, (5) Thông tin trung thực và tin cậy, (6) Chuẩn mực văn hoá. Kết thúc chương trình, diễn giả đưa ra phân tích về những chặng đường phát triển tiếp theo với ý tưởng về hình thành liên minh toàn cầu quản trị số; xây dựng cơ chế mở, tập hợp trí tuệ nhân loại cùng đồng hành và phát triển; vấn đề xây dựng khu sáng tạo Kỷ nguyên khai sáng toàn cầu; và cộng đồng khai sáng toàn cầu (Global Enlightenment Community) của Thành phố Xã hội trí tuệ nhân tạo. Trong bối cảnh đó, các đại biểu cùng nhau trao đổi về những cơ chế hợp tác trong kỷ nguyên số, và những cơ hội mới cho Việt Nam để nắm giữ vị thế tiên phong đồng hành cùng kỷ nguyên khai sáng toàn cầu.

Một số hình ảnh tại buổi trao đổi:

TS. Đinh Công Khải - Phó Hiệu trưởng CELG, Trưởng Khoa Quản lý Nhà nước trình bày tại chương trình

TS. Lê Vĩnh Triển - Khoa Quản lý Nhà nước trình bày tại chương trình

Tin, Ảnh: Trường Kinh tế, Luật và Quản lý Nhà nước UEH, Khoa Quản lý Nhà nước

 

Chia sẻ