CTELG Talk kỳ 2: “Định giá sáng chế tại Việt Nam: Pháp luật và thực thi”
24 tháng 05 năm 2022
Với tinh thần Dấn thân phụng sự cộng đồng - Lan toả tri thức, ngày 18/5/2022 vừa qua, Trung tâm Kinh tế, Luật và Quản lý (CTELG) thuộc Trường Kinh tế, Luật và Quản lý nhà nước UEH (CELG-UEH), đã tiếp nối kỳ 2 của Chuỗi sự kiện CTELG Talk Series với chủ đề “Định giá sáng chế tại Việt Nam: Pháp luật và thực thi”. Chương trình có sự góp mặt của gần 80 đại biểu là các chủ tịch, tổng giám đốc, nhà quản lý, các thẩm định viên về giá tại các công ty thẩm định giá; giám đốc bộ phận tư vấn định giá của các công ty kiểm toán, quỹ đầu tư, ngân hàng; giảng viên; luật sư và các nhà quản trị tài sản trí tuệ tại doanh nghiệp.
CTELG Talk kỳ 2 do Trung tâm CTELG và khoa Luật thuộc Trường CELG cùng với khoa Luật thuộc Trường Đại học Kinh tế quốc dân (NEU) đồng phối hợp tổ chức với chủ đề “Định giá sáng chế tại Việt Nam: Pháp luật và thực thi”. Chủ đề này nằm trong khuôn khổ triển khai đề tài Nafosted do PGS.TS. Trần Văn Nam - Trưởng khoa Luật, NEU, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam làm chủ nhiệm. Sự kiện được bố trí thành hai phiên với sự chia sẻ của 4 chuyên gia giàu kinh nghiệm trong ngành tại phiên 1 và bàn tròn thảo luận tại phiên 2.
Toàn cảnh sự kiện CTELG Talk Series mùa đầu tiên, kỳ 2, tại hội trường B1.205 - Phiên 1
Mở đầu phiên 1, TS. Đào Minh Đức - Viện trưởng Viện Quản trị Tài sản trí tuệ Minh Đức đã khái quát về các khía cạnh giá trị của sáng chế trong thẩm định giá. Chủ đề đã góp phần giúp thẩm định viên về giá hành nghề hiểu rõ hơn về những đặc điểm chủ thể liên quan đến tài sản thẩm định giá. Tiếp đến, TS. Trịnh Minh Tâm - Phó Viện Trưởng Viện Đánh giá khoa học và Định giá công nghệ, Bộ Khoa học & Công nghệ đã trình bày bài tham luận với chủ đề “Áp dụng pháp luật về định giá công nghệ, tài sản trí tuệ nhìn từ hoạt động thực tiễn”. Để minh hoạ rõ hơn về cách thức vận dụng, ThS. Nguyễn Quang Huy - Công ty TNHH Vision & Associates đã cung cấp tình huống thực tế về “Định giá tài sản trí tuệ” từ trường hợp sáng chế WTM Made in Vietnam và tác động tới quá trình thương mại hóa sáng chế. Cuối cùng, ThS. Trần Mạnh Hùng - Luật sư điều hành, Công ty Luật TNHH Quốc tế BMVN (Thành viên Công ty Luật Quốc tế Baker & McKenzie), đã chia sẻ Kinh nghiệm Quốc tế về điều chỉnh bằng pháp luật đối với định giá sáng chế.
Các diễn giả đã trình bày chi tiết các vấn đề xoay quanh sáng chế, định giá/thẩm định giá sáng chế và các vấn đề pháp lý liên quan bằng những câu chuyện, những kinh nghiệm thực tế lôi cuốn và thú vị.
TS. Đào Minh Đức - Viện trưởng Viện Quản trị Tài sản trí tuệ Minh Đức
chia sẻ về các khía cạnh giá trị của sáng chế trong thẩm định giá
TS. Trịnh Minh Tâm - Phó Viện Trưởng Viện Đánh giá khoa học và Định giá công nghệ, Bộ Khoa học & Công nghệ, trình bày về hướng áp dụng pháp luật về định giá công nghệ, tài sản trí tuệ nhìn từ hoạt động thực tiễn
ThS. Nguyễn Quang Huy - Công ty TNHH Vision & Associate, trình bày về Định giá TSTT từ trường hợp sáng chế WTM Made in Vietnam và tác động tới quá trình thương mại hóa sáng chế
ThS. Trần Mạnh Hùng - Luật sư điều hành, Công ty Luật TNHH Quốc tế BMVN (Thành viên Công ty Luật Quốc tế Baker & McKenzie), chia sẻ kinh nghiệm Quốc tế về điều chỉnh bằng pháp luật đối với định giá sáng chế
Bên cạnh đó, “Thương mại hóa của sáng chế” cũng là nội dung được các diễn giả tập trung chia sẻ. Các diễn giả cho rằng, nếu việc định giá/thẩm định giá sáng chế không thật sự gắn liền với thực tiễn và không gắn liền với tính thương mại hóa thì sẽ khó để tồn tại và duy trì trong nghề. Ngoài ra, các diễn giả còn nhấn mạnh đến việc xác lập quyền sở hữu cho tài sản trí tuệ nhằm tránh gây các tổn thất về lợi nhuận không đáng có cho các nhà sáng chế và khuyến khích họ có những hoạt động đầu tư tích cực hơn cho nghiên cứu và phát minh ra sáng chế mới trong tương lai.
Các bài tham luận có sự kết hợp giữa trình bày lý thuyết và minh hoạ thực tiễn. Đồng thời, xoay quanh các bài tham luận còn là những kinh nghiệm được đúc kết từ trải nghiệm thực tế, do đó, người tham dự có thể hình dung cụ thể và hiểu rõ được về mặt kĩ thuật và pháp lý khi tiến hành định giá/thẩm định giá sáng chế, một loại tài sản trong nhóm tài sản trí tuệ - nhóm tài sản có mức độ khó cao trong thẩm định giá.
Phiên 2 là phiên thảo luận bàn tròn với các diễn giả khách mời gồm: PGS.TS. Trần Văn Nam - Trưởng khoa Luật, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Trọng tài viên, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam; TS. Đào Minh Đức - Viện trưởng Viện Quản trị Tài sản trí tuệ Minh Đức; Kỹ sư Lại Minh Chức - Giám đốc Công ty Khoa học Công nghệ Môi trường Việt Nam; ThS. Tào Minh Hùng - Công ty Luật TNHH Rouse Legal Vietnam, chi nhánh Hà Nội. Bàn tròn thảo luận được thực hiện dưới sự điều phối của anh Nguyễn Kim Đức - Giám đốc Trung tâm CTELG, Thẩm định viên về giá hành nghề.
Toàn cảnh sự kiện CTELG Talk Series mùa đầu tiên, kỳ 2, tại hội trường B1.205 - Phiên 2
Các diễn giả khách mời và điều phối viên trong phiên bàn tròn thảo luận
Từ trái sang: ThS. Tào Minh Hùng, PGS.TS. Trần Văn Nam, KS. Lại Minh Chức, TS. Đào Minh Đức, TĐV. Nguyễn Kim Đức
Ở phiên thảo luận này, chủ đề “Định giá sáng chế tại Việt Nam: Pháp luật và thực thi” được trình bày theo hướng hỏi và đáp. Với sự dẫn dắt của điều phối viên Nguyễn Kim Đức, các khách mời đã được lắng nghe thêm các trải nghiệm mà chính Kỹ sư Lại Minh Chức - chủ sáng chế - đã trải qua, từ những bước sơ khởi nhất như lên ý tưởng đến khi mọi công đoạn được hoàn tất và sáng chế ra đời. Đây là những chia sẻ vô cùng quý báu từ chính chủ nhân của sáng chế, góp phần đưa ra những nhận định của tác giả về những điểm ưu việt mà sáng chế sở hữu. Từ đây, ở góc độ định giá/thẩm định giá, những điểm nổi bật này sẽ là những khía cạnh chính góp phần tác động và hình thành nên các giá trị của sáng chế.
Về mặt chuyên môn, TS. Đào Minh Đức đã chia sẻ những góc nhìn khá mới và thú vị trong thẩm định giá sáng chế thông qua các lược đồ, các kinh nghiệm thực tế mà tác giả đúc kết được qua thời gian dài nghiên cứu, phát triển, giảng dạy và áp dụng các lý thuyết nghiên cứu vào thị trường.
Chuyên gia Phạm Thị Bình - Chủ tịch CTCP Thẩm định giá Hoàng Gia,
Nguyên Phó Vụ trưởng, Ban Vật giá Chính phủ trao đổi quan điểm với các diễn giả khách mời
TĐV. Ngô Đoàn Thu Thảo - Trưởng bộ phận Valuation & Advisory - CTCP DCF Vietnam đặt câu hỏi cho các diễn giả
Xuyên suốt buổi hội thảo, cụm từ “thương mại hóa” là keyword được lặp lại khá nhiều lần và đây cũng là chủ đề mà hầu hết những thẩm định viên về giá và những người chủ sáng chế quan tâm. Vì một sáng chế dù cho có vĩ đại đến đâu thì việc áp dụng được sáng chế để hỗ trợ, giải quyết các vấn đề trên thị trường là yêu cầu tiên quyết. Chia sẻ về vấn đề này, PGS.TS. Trần Văn Nam cũng đã có những lưu ý khi tiến hành thương mại hóa sáng chế sau quá trình định giá/thẩm định giá. Việc thương mại hóa thành công được quyết định bởi nhiều yếu tố và vấn đề quan trọng có thể đề cập đến là ý chí của các bên liên quan trong các giao dịch chuyển giao quyền sử dụng sáng chế. Việc thừa nhận của người sử dụng đối với giá trị của sáng chế là một yếu tố quan trọng trong thương mại hóa và là yếu tố quyết định dẫn đến sự thành công của các thương vụ chuyển giao quyền sử dụng sáng chế.
Về mặt pháp lý được áp dụng, ThS. Tào Minh Hùng nhận định rằng, hệ thống văn bản pháp luật Việt Nam đã quy định khá rõ ràng và đầy đủ các vấn đề liên quan đến thẩm định giá sáng chế. Vì thế, vấn đề còn tồn đọng là làm thế nào để thêm vào giá trị mà các thẩm định viên có thể tính toán được thông qua vận dụng các tiêu chuẩn thẩm định giá. Tác giả cũng cho rằng, việc định giá/thẩm định giá sáng chế là một nghiệp vụ khó do việc tiếp cận nguồn thông tin khá hạn chế dẫn đến việc bất cân xứng về thông tin. Đây cũng là một yếu tố tác động mạnh mẽ đến việc thẩm định giá sáng chế nói chung và giá trị của sáng chế nói riêng.
TS. Dương Kim Thế Nguyên - Trưởng khoa Luật UEH (ngoài cùng bên trái) và PGS.TS. Trần Văn Nam - Trưởng khoa Luật NEU (ngoài cùng bên phải) trao thư cảm ơn của Ban tổ chức cho các diễn giả khách mời
Các đại biểu và diễn giả chụp ảnh lưu niệm tại chương trình
Sự kiện CTELG Talk kỳ 2 mùa đầu tiên với chủ đề “Định giá sáng chế tại Việt Nam: Pháp luật và thực thi” đã diễn ra thành công tốt đẹp. Đúng với sứ mạng của CTELG với tinh thần Dấn thân phụng sự cộng đồng - Lan tỏa tri thức, CTELG Talk Series sẽ là chuỗi những cuộc đàm thoại, trình bày với các tác giả trong nước và quốc tế, bàn về các khía cạnh đa sắc màu của kinh tế, luật và quản lý do CTELG tổ chức. Ban tổ chức rất mong nhận được sự quan tâm và đóng góp ý kiến của quý anh chị và quý khách mời tham dự để những chương trình và sự kiện tiếp theo được ngày càng hoàn thiện tốt hơn nữa.
Một số hình ảnh khác tại chương trình:
Anh Nguyễn Kim Đức - Giám đốc Trung tâm CTELG chào đón các diễn giả khách mời tham dự
Khách mời làm thủ tục check-in và nhận chứng nhận tham dự từ Ban tổ chức
Các khách mời và diễn giả chụp ảnh lưu niệm tại chương trình
Tin, ảnh: Trung tâm Kinh tế, Luật và Quản lý (CTELG)
Chia sẻ