UEH đồng hành cùng nữ giảng viên, nhà nghiên cứu chinh phục các ngành khoa học và kỹ thuật
02 tháng 10 năm 2023
Thời gian qua, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh (UEH) luôn tạo điều kiện để nữ giảng viên, nhà nghiên cứu của Trường tham gia vào các lĩnh vực chuyên môn ít đại diện nữ như công nghệ, toán học và kỹ thuật. Thông qua những chiến dịch quy mô khu vực và quốc gia, các sáng kiến này không chỉ hỗ trợ phát triển kỹ năng mà còn khích lệ phụ nữ tự tin vươn lên trong các ngành nghề đầy thách thức.
Chính sách của UEH trao quyền cho phụ nữ hướng tới bình đẳng giới vì tương lai phát triển bền vững
Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh là trường đại học Việt Nam từ lâu đã hình thành tư duy tích cực về bình đẳng giới và triển khai nhiều chiến lược quan trọng để tăng cường trao quyền cho phụ nữ UEH. Tại UEH, vai trò của mỗi cán bộ nữ là vô cùng quan trọng, đóng góp đáng kể vào sự phát triển của UEH. UEH luôn tạo nhiều điều kiện và cơ hội hơn nữa để cán bộ nữ thể hiện và phát huy năng lực của mình. Đồng thời, UEH chú trọng đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ nâng cao trình độ, năng lực, kỹ năng theo yêu cầu của vị trí công tác.
Dự án nghiên cứu “Lồng ghép giới vào các công trình thủy lợi và phòng chống thiên tai trong bối cảnh biến đổi khí hậu tại huyện Cù Lao Dung, Sóc Trăng (GS4Infra)”
Gs4Infra là một dự án liên ngành được tài trợ bởi Chương trình Mekong Think Tank, được chấp nhận vào năm 2023 chủ nhiệm bởi nữ giảng viên của UEH: Ths. Nguyễn Thị Thu Thủy (Đại học Kinh Tế Thành phố Hồ Chí Minh) cùng điều tra viên đến từ đa dạng chuyên ngành khác nhau như Luật, Xã hội học, và Công nghệ Sinh học. Dự án được thực hiện nhằm mục tiêu hiểu rõ và đưa ra các giải pháp giải quyết các vấn đề nhạy cảm về giới phát sinh trong quá trình xây dựng chính sách và phát triển khu vực công liên quan đến các cơ sở hạ tầng về nước, năng lượng và biến đổi khí hậu, tập trung vào đê chống lũ, kênh tưới tiêu và cống ngăn mặn. Dự án tập trung vào hai xã thuộc huyện Cù Lao Dung, nằm trên sông Bassac, một nhánh của sông Mekong, nơi đang đối mặt với các thách thức từ biến đổi khí hậu và phát triển thủy điện ở thượng nguồn.
ThS. Nguyễn Thị Thu Thủy - chủ nhiệm dự án GS4Infra
Nghiên cứu "Đánh giá thành tích học tập của học sinh các nước đang phát triển trong các kỳ kiểm tra giáo dục quốc tế theo tình trạng kinh tế xã hội qua các vùng, khu vực và giới tính: Trường hợp Việt Nam tham gia PISA 2012 và 2015"
Một trong những đóng góp học thuật nổi bật của nữ giảng viên UEH là Nghiên cứu của cô Nguyễn Thị Hồng Thu phân tích mối liên hệ giữa hoàn cảnh gia đình (đo bằng tình trạng kinh tế xã hội - SES) và kỹ năng học tập (đo bằng điểm PISA) của học sinh Việt Nam. Kết quả cho thấy SES có ảnh hưởng đáng kể đến thành tích học tập của học sinh Việt Nam. Sự chênh lệch này biến đổi theo vùng, khu vực và giới tính, phản ánh sự khác biệt về nguồn lực giáo dục và cơ hội học tập. Nghiên cứu nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giảm thiểu bất bình đẳng trong giáo dục để nâng cao chất lượng và công bằng giáo dục tại Việt Nam.
Với sự đồng hành từ UEH và các đối tác, ngày càng nhiều nữ giảng viên, viên chức UEH tự tin chinh phục các lĩnh vực khoa học, công nghệ và kỹ thuật, góp phần tạo nên một lực lượng lao động đa dạng, sáng tạo và bình đẳng. Những nỗ lực này không chỉ mở ra cơ hội mà còn truyền cảm hứng, khuyến khích phụ nữ tiến xa hơn trong hành trình phát triển nghề nghiệp và khẳng định bản thân trong các ngành nghề đầy thử thách.
Tin, ảnh: Phòng QLKH-HTQT, Phòng Marketing - Truyền thông
Chia sẻ