Những hành trình khi mình lạc lối
19 tháng 12 năm 2023
Thấu hiểu những tâm tư cùng nỗi lo lắng về vấn đề định hướng của các bạn sinh viên, Phòng Chăm sóc và hỗ trợ người học (DSA) đã phối hợp với các chuyên gia diễn giả khách mời tổ chức buổi Talkshow mang tên:"Những cuộc hành trình khi mình lạc lối".
Buổi Talkshow nhận được sự quan tâm của hơn 300 bạn sinh viên tham gia, với sự chia sẻ của những khách mời đặc biệt: ThS. NCS. Mai Mỹ Hạnh (Phó Trưởng khoa Tâm lý học, Trường Đại học Sư phạm TP.HCM), ThS.Trần Hương Giang (Giám đốc chuyên môn Viện Nghiên cứu và Đào tạo Tâm Việt) và anh Vũ Hải Trường (Giám đốc 365bet Đại học của Đại học Hồng Kông tại Việt Nam). Các diễn giả đã làm rõ nét bức tranh toàn cảnh của "sự lạc lối" trong cộng đồng sinh viên, đưa ra những giải pháp thiết thực và hướng các bạn tìm ra lý tưởng, đam mê mà bản thân thực sự mong muốn.
Khi ta lạc lối
Một ngày mới lại đến, nhưng, bỗng nhiên bạn hoang mang không biết bản thân đang làm gì, đang cần gì; bạn không còn động lực phấn đấu, chỉ muốn chìm vào một khoảng không riêng chờ ngày trôi qua, thì, có lẽ bạn đang "lạc lối".
Đối với sinh viên năm nhất, mới tiếp cận môi trường Đại học, bạn lạc trong những suy nghĩ giữa ngành và nghề: Mình đã chọn đúng ngành chưa? Ngành này có đưa mình đến với công việc yêu thích không? Còn với những sinh viên sắp tốt nghiệp và thực sự bước vào một cuộc đời "người lớn", bạn lạc trong những nỗi lo về cơm áo gạo tiền, công việc và cả những hoài bão xa hơn.
Nguyên nhân của sự lạc lối không chỉ xuất phát từ suy nghĩ của chính bạn mà còn đến từ áp lực, ý kiến đa chiều từ dư luận xã hội, đặc biệt là đến từ những người có tiếng nói đối với bản thân bạn.
Chắc chắn, nếu lạc lối kéo dài, nó sẽ đưa bạn vào những ngày tháng sống vô định, không có ý nghĩa, thậm chí dẫn đến thất bại. Như Cô Mỹ Hạnh đã nói: "Thành công thì vui vẻ nhanh qua, nhưng thất bại là bài học ngấm sâu và day dứt mãi trong cuộc đời."
Chiếc la bàn định hướng
Cô Mỹ Hạnh cùng cô Hương Giang đã chia sẻ những trải nghiệm cá nhân rất ý nghĩa cùng những bài học kinh nghiệm đúc kết được để giúp sinh viên vượt qua sự lạc lối. Đầu tiên, bạn hãy tự đặt câu hỏi cho chính bản thân mình và dành thời gian cho bộ não, cho lý trí, tình cảm đánh giá, điều chỉnh lại cho hợp lý. Tự đánh giá bản thân là bước đầu tốt nhất để bạn đối mặt với hiện thực, tránh xu hướng đổ lỗi cho cuộc sống và người khác. Từ đó, bạn còn xác định được lõi giá trị của bản thân là gì, bạn biết điều gì thực sự khiến bạn hạnh phúc. Đồng thời, bạn hãy tìm ra bản thân còn điều gì thiếu sót, cố gắng lên kế hoạch khắc phục, đồng thời luôn tích cực mở rộng và duy trì các mối quan hệ tích cực.
Tiếp theo đó, hãy tự bồi dưỡng "dinh dưỡng" cho chính bộ não của chúng ta. Đôi lúc bạn lạc lối vì thực sự bạn chỉ đứng trong vùng an toàn và lo sợ, suy nghĩ. Thay vào đó, muốn có một bức tranh tổng thể hãy dùng kinh nghiệm và những trải nghiệm khác nhau để hoàn thiện tư duy và góc nhìn, lúc đó, bạn chắc chắn sẽ biết được mình cần gì, mình thực sự giỏi và yêu thích điều gì. Khi bạn biết được cái nào phù hợp với bản thân, bạn sẽ có mục tiêu và hành động đúng đắn hơn cho tương lai của mình. Bên cạnh đó, khi não có nhiều "dinh dưỡng" đồng nghĩa bạn sẽ thông thái và hiểu biết hơn, chính là chìa khóa giúp điều tiết cảm xúc, tâm trạng và hành động của bạn, tránh khỏi những hướng đi và suy nghĩ sai lệch.
Cuối cùng, các diễn giả dặn dò chúng ta phải "tự kiểm soát bản ngã của mình, bỏ hết xuống khi không cần thiết". Thế giới và cuộc sống thì luôn chuyển động không ngừng với muôn vàn kiến thức mới, do đó, nếu ta chỉ khăng khăng tin vào những thông tin cũ, ta sẽ mất nhiều cơ hội khám phá cái đẹp, cái hay thực thụ. Và hãy tìm cho mình một người cố vấn, dẫn lối luôn động viên và tiếp sức cho bạn.
Qua buổi Talkshow, DSA - UEH tin rằng các bạn đã có những cái nhìn rõ nét hơn về các vấn đề đang gặp phải, biết được những giải pháp để khắc phục khó khăn và không ngừng phát triển bản thân để đạt được những mục tiêu tương lai. Đồng thời, DSA muốn gửi đến các bạn sinh viên thông điệp về giá trị của hạnh phúc bởi chính hạnh phúc sẽ dẫn lối thành công.
Tin, ảnh: Phòng Chăm sóc và hỗ trợ người học (DSA)
Chia sẻ