Mạch lạc khi viết tiếng Anh: Liệu có khó?

30 tháng 08 năm 2022

Trong ngôn ngữ, kỹ năng viết vẫn luôn được coi là một trong những thử thách lớn, kể cả đối với người học đã có kiến thức nền tốt. Kỹ năng này không chỉ đòi hỏi sự vận dụng linh hoạt về mặt ngữ pháp, sự đa dạng về mặt từ vựng mà còn là cách để thể hiện tư duy và cách phát triển luận điểm của một người. Nói cách khác, một người viết hay sẽ làm cho bài viết có cấu trúc và nội dung mạch lạc, rõ ràng đồng thời được gắn kết một cách chặt chẽ và hợp lý. Nhưng khi đặt trong bối cảnh tiếng Anh, kỹ năng viết mạch lạc liệu có phải là thử thách?

Đối với nhiều người học tiếng Anh, tính mạch lạc và liên kết (Coherence & Cohesion) trong văn bản thường được nhắc tới trong quá trình dạy và học kỹ năng viết. Thậm chí, trong chứng chỉ “quốc dân” IELTS, tiêu chí tính mạch lạc và liên kết chiếm 25% tổng số điểm của kỹ năng viết. Tuy nhiên, theo nghiên cứu của , giám khảo kỳ thi IELTS cho rằng tiêu chí này khó đánh giá hơn so với ba tiêu chí còn lại. Vì khi gộp chung là một tiêu chí chấm điểm, tính mạch lạc và liên kết có thể phân tách làm hai thành tố riêng biệt khi đánh giá nội dung bài viết. Tính mạch lạc (Coherence) chỉ mức độ rõ ràng, kết nối, logic về mặt ý tưởng của từng đoạn cũng như trong cả bài viết. Trong khi đó, Tính liên kết (Cohesion) lại nhằm đánh giá tính liên kết của bài viết dựa trên khả năng sử dụng ngữ pháp và từ vựng, như từ nối, quan hệ từ, để tạo ra sự kết nối và mạch lạc cho các mệnh đề trong câu, giữa các câu trong đoạn, hay thậm chí giữa các đoạn văn trong bài.

Nói một cách đơn giản, nếu như bài viết là một ngôi nhà, tính liên kết sẽ là phần móng và khung sườn cho ngôi nhà vững chãi, còn tính liên kết sẽ là xi măng, gạch, nền lát giúp cho ngôi nhà hoàn thiện. Dù thiếu đi bất cứ yếu tố, đoạn văn sẽ trở nên thiếu rõ ràng, mạch lạc, dễ gây khó hiểu cho người đọc và cản trở nội dung tác giả muốn truyền đạt. Thấu hiểu được tầm quan trọng đó, ngày 25/08/2022, Phòng Chăm sóc và hỗ trợ người học (DSA) phối hợp cùng Khoa Ngoại ngữ UEH đã tổ chức buổi tọa đàm với chuyên đề “How to make your sentences connect” – “Kết nối câu từ” trong khuôn khổ hoạt động định kỳ Tọa đàm ngôn ngữ tại English Zone UEH với sự tham dự của Bà Kirsten Reid, Cố vấn học tập cao cấp tại Phòng Hỗ trợ học thuật cho sinh viên tại Đại học Victoria Wellington, New Zealand.

Lần thứ hai đến với Tọa đàm ngôn ngữ tại Công viên tiếng Anh - UEH English Zone, Bà Kirsten Reid đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm quý giá cho người học, giúp người tham dự có cái nhìn nghiêm túc và trọn vẹn hơn về cách để cải thiện tính mạch lạc và liên kết trong kỹ năng Viết. Diễn giả chia sẻ, tuy không có lợi thế của môi trường tiếng mẹ đẻ, người Việt khi học tiếng Anh hoàn toàn có thể tận dụng thế mạnh trong việc học ngữ pháp của mình để xây dựng tính mạch lạc và liên kết cho bài viết. 

Để làm được điều đó, người viết cần đảm bảo được hai yếu tố: sự phát triển và sắp xếp ý tưởng một cách có liên kết với nhau tạo nên sự mạch lạc xuyên suốt bài viết. Bên cạnh đó, việc luyện tập các phép liên kết, vận dụng thường xuyên vào bài viết, tạo nên sự liên kết, mạch lạc trong toàn bộ ba phần mở - thân - kết bài và sự liên kết trong nội bộ từng đoạn. Từ đó cho thấy rõ sự phát triển, đào sâu, mở rộng các lập luận của người viết và cải thiện nhịp điệu của bài viết. 

Từng câu hỏi được diễn giả phân tích chi tiết trong chương trình cũng như các phương pháp giúp người học ứng dụng vào bài viết thực tế.

Song song đó, diễn giả đã chia sẻ lỗi sai mà nhiều người học mắc phải trong lúc luyện tập kỹ năng viết, đó là việc lạm dụng các cụm từ nối, cụm từ chuyển ý (transitional words) nhằm gia tăng tính mạch lạc và liên kết của bài viết. Ngoài ra, khi sử dụng các cấu trúc ngữ pháp và từ vựng, người học nên quan niệm rằng các lập luận, quan điểm cá nhân, ví dụ và dẫn chứng cần có liên kết chặt chẽ với nhau về mặt nội dung, vì thế việc sử dụng các cấu trúc ngữ pháp nâng cao chỉ nên sử dụng khi người viết đã luyện tập quen và cần chọn lọc phù hợp với ngữ cảnh. Đối với phương thức từ vựng, người học có thể luyện tập tính mạch lạc và liên kết một cách hiệu quả bằng cách học từ vựng theo chủ đề và trong một ngữ cảnh cụ thể, thay vì học thuộc lòng từng từ vựng riêng lẻ.

Tọa đàm đã diễn ra thành công và nhận được nhiều sự quan tâm từ cộng đồng đam mê học tập, cải thiện tiếng Anh tại UEH. Buổi tọa đàm đã diễn ra trong vòng 2 tiếng với bầu không khí vui tươi, tràn đầy tinh thần học hỏi và tích cực đóng góp của người tham dự. Với chủ đề tháng 8: “ “How to make your sentences connect”, chương trình đã làm rõ về các phương pháp để giúp kết nối câu từ khi sử dụng tiếng Anh trong bối cảnh học thuật và thực tế. Bên cạnh đó, tọa đàm cũng giải đáp những thắc mắc, trăn trở của người tham dự về việc sử dụng tiếng Anh khi luyện tập một trong những kỹ năng cần đầu tư nhiều thời gian nhất. Dưới hình thức trực tuyến, người tham dự có thể gửi thắc mắc trực tiếp với diễn giả tại chương trình hoặc trực tuyến thông qua fanpage UEH English Zone. Hình thức này đã giúp gia tăng kết nối và mở rộng cơ hội học hỏi và trau dồi tiếng Anh đến với cộng đồng UEH.

Bạn có thể xem lại bản ghi hình của buổi tọa đàm .

Thông qua những chia sẻ của diễn giả, người tham dự đã có phần thảo luận và trao đổi rất sôi nổi về chủ đề

Nằm trong đề án Công viên tiếng Anh – UEH English Zone, Tọa đàm ngôn ngữ là hoạt động định kỳ của được tổ chức hàng tháng với nhiều chủ đề thiết thực giúp người học và viên chức sẽ từng bước cảm thấy hứng thú với việc học tiếng Anh, từ đó tạo thói quen và kích thích sự ham học hỏi trong nội tại mỗi người góp phần khẳng định và nâng cao giá trị bản thân trong môi trường hội nhập năng động như hiện nay.

Để đăng ký và tham gia vào chương trình tọa đàm ngôn ngữ sắp tới, hãy tương tác và theo dõi tại fanpage để cập nhật những thông tin mới nhất về các chương trình.

Tin, ảnh: Phòng Chăm sóc và hỗ trợ người học

 

Chia sẻ