Làm thế nào để gắn kết gia đình trong cơn bão công nghệ?
28 tháng 06 năm 2024
Trong thời đại công nghệ phát triển, khi mọi người dễ dàng kết nối với thế giới ảo, những mối liên kết gia đình truyền thống lại đối mặt với nguy cơ phai nhạt. Áp lực từ công việc, học tập cùng với sự khác biệt về lối sống và tư duy giữa các thế hệ đã tạo nên những rào cản vô hình, khiến cho những cuộc trò chuyện ấm áp và những giây phút quây quần bên nhau trở nên hiếm hoi hơn. Vậy làm thế nào để duy trì và phát triển sự gắn kết gia đình trong bối cảnh đầy thách thức này? Nhân ngày Gia đình Việt Nam 28/06, hãy cùng DSA tìm hiểu xem các giá trị trong gia đình đã thay đổi như thế nào và làm thế nào để gắn kết tình cảm gia đình trong cơn bão công nghệ nhé.
Những thay đổi của gia đình “xưa” và “nay”
Trải qua hàng ngàn năm lịch sử cùng sự phát triển nhanh chóng của cơn bão công nghệ, hai từ “gia đình” đã và đang có những thay đổi to lớn về mặt hình thức và ý nghĩa. Sự thay đổi này bao trùm gần như các quốc gia trên toàn thế giới và không chỉ ảnh hưởng tới sự phát triển của xã hội mà còn ảnh hưởng trực tiếp tới chúng ta - những đứa con của gia đình.
Quy mô dần thu nhỏ lại
Báo cáo của cho thấy rằng quy mô gia đình của hầu hết các quốc gia trên thế giới trong những năm gần đây đang có xu hướng ngày càng thu nhỏ lại.
Quy mô gia đình ngày càng thu hẹp trong những năm gần đây (Nguồn: Word Population Review)
Tại Việt Nam, xu hướng thu nhỏ quy mô gia đình không chỉ vừa mới xuất hiện trong những năm gần đây. Theo , quy mô gia đình Việt Nam đã liên tục giảm trong vòng hơn 20 năm qua. Nếu trước đây đặc trưng gia đình Việt Nam là sống theo mô hình đa thế hệ “tam đại đồng đường, tứ đại đồng đường” tức nhiều thế hệ cùng nhau chung sống dưới một mái nhà thì ngày nay, mô hình “gia đình hạt nhân”, gia đình chỉ bao gồm vợ chồng và con lại đang trở thành xu thế. Kiểu gia đình này tạo cho mỗi thành viên khoảng không gian tự do tương đối lớn để phát triển tự do cá nhân, đề cao vai trò cá nhân. Song, điều này cũng làm giảm sút sự liên kết và ngăn cách không gian giữa các thành viên trong đại gia đình. Khả năng hỗ trợ nhau về vật chất, tinh thần cũng như thời gian chăm sóc, gần gũi thể hiện tình cảm của con cháu đối với ông bà, cha mẹ cũng giảm đi đáng kể.
Hơn cả hai từ máu mủ
, định nghĩa về gia đình đang ngày một mở rộng ra. Những mối quan hệ đóng vai trò như gia đình có thể đến từ các mối quan hệ bạn bè, từ những người quen xung quanh chúng ta. Những mối liên kết này vượt qua ranh giới sinh học và được xây dựng trên nền tảng của sự tin tưởng, kinh nghiệm, sự sẻ chia và hỗ trợ vững chắc. Chính vì thế, ngày nay khái niệm gia đình không nhất thiết phải bị ràng buộc bởi huyết thống mà hơn hết phải dựa trên tình yêu, sự hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau.
Dễ kết nối…
Trong thời đại công nghệ 4.0 hiện nay thật dễ dàng để những người thân giao tiếp với nhau dù có cách xa hàng ngàn cây số. Không chỉ vậy, sự phổ biến của Smartphone đã giúp không ít bậc phụ huynh cập nhật các xu hướng trên mạng xã hội, xích gần lại với thế hệ con cái hơn. Khác với trước đây, những khó khăn về khoảng cách, địa lý, tuổi tác…sức mạnh của công nghệ đã giúp cho các thành viên trong gia đình hiện nay dễ dàng liên lạc và kết nối cùng nhau hơn.
…Nhưng thường xuyên mất kết nối?
Dễ kết nối nhưng không đồng nghĩa với việc kết nối thường xuyên. Sự hấp dẫn của mạng xã hội, trò chơi công nghệ hay công việc… khiến chúng ta ít trò chuyện, gặp gỡ gia đình hơn dù có điều kiện thuận lợi hơn trước. Đây cũng có thể coi là một trong những nguyên nhân khiến tình cảm giữa các thành viên trong gia đình ngày càng xa cách và mất kết nối. Điều này càng rõ ràng hơn khi báo cáo nghiên cứu của 2009 - 2019 chỉ ra rằng thời gian dành cho gia đình trên toàn thế giới đang ngày càng giảm. Theo đó, từ sau độ tuổi 18 -21 thời gian dành cho gia đình đình của mỗi người giảm đi đáng kể trong khi đó thời gian một mình lại tăng lên trông thấy.
Thời gian dành cho gia đình ngày càng giảm dần theo độ tuổi (Nguồn: Our World in Data)
Khác với trước đây, khi dễ dàng bắt gặp hình ảnh gia đình sum vầy, vui chơi trong mọi dịp lễ, tết, ngày nghỉ…thì giờ đây chúng ta dành ít thời gian hơn cho gia đình, thay vào đó là cho công việc, bạn bè hay đơn giản là cô đơn một mình.
Thời gian dành cho các mối quan hệ trong cuộc sống của mỗi người theo độ tuổi (Nguồn: Our World in Data)
Vậy, làm thế nào để gắn kết gia đình trong thời đại 4.0?
Dành thời gian cho gia đình nhiều hơn
Hãy phân bổ thời gian một cách hợp lý và dành ra một khoảng thời gian nhất định cho gia đình mình. Dành thời gian không nhất thiết phải về quê thường xuyên hơn, gặp mặt trực tiếp nhiều hơn mà đơn giản chỉ là gọi điện về cho gia đình nhiều hơn một chút, trò chuyện cùng gia đình lâu hơn một chút.
Đơn giản là gọi điện, nói chuyện cùng gia đình nhiều hơn một chút(Nguồn: Pinterest)
Biến công nghệ thành sợi dây kết nối
Công nghệ thời 4.0 như con dao hai lưỡi, nó có thể ngắt kết nối giữa chúng ta nhưng nếu chúng ta hiểu và sử dụng đúng cách thì công nghệ sẽ là sợi dây gắn kết chúng ta lại gần nhau hơn. Có nhiều cách để chúng ta gắn kết gia đình nhờ công nghệ, điều đó bắt đầu đơn giản từ những cuộc gọi facetime, từ việc ghi lại hình ảnh gia đình bằng điện thoại, máy ảnh hay từ việc chia sẻ tin tức, xu hướng xã hội cho nhau…
Lắng nghe một cách tích cực hơn
Hãy lắng nghe một cách cẩn thận và chú tâm hơn để có thể hiểu rõ thông điệp và cảm xúc mà các thành viên trong gia đình muốn truyền tải. Điều này không chỉ giúp bạn hiểu được gia đình mình mà còn giúp các thành viên trong gia đình cảm thấy được tôn trọng, thấu hiểu. Từ đó tình cảm gia đình được gắn kết với nhau nhiều hơn. Là một người lắng nghe tích cực, chúng ta nên đặt bản thân vào vị trí của người nói, hạn chế việc so sánh trải nghiệm của người nói với trải nghiệm của mình hay bất kỳ ai, hãy theo dõi và ghi nhớ những câu chuyện được kể. Và điều quan trọng ở một người lắng nghe tích cực chính là sự cảm thông, khi người thân của mình đã bày tỏ câu chuyện của mình thì điều họ cần là sự cảm thông, thấu hiểu, không phải một lời phán xét hay sự im lặng thờ ơ.
Thấu hiểu và tôn trọng sự khác biệt của mỗi cá nhân
Mỗi cá nhân bất kể trong hay ngoài gia đình đều có những đặc điểm, tính cách, sở thích… riêng biệt. Chính vì vậy, thay vì đánh giá và phán xét, chúng ta nên thấu hiểu và tôn trọng sự khác biệt của mỗi thành viên trong gia đình, miễn rằng điều đó không vi phạm pháp luật và thuần phong mỹ tục. Nền tảng của một mối quan hệ tốt đẹp chính là sự thấu hiểu và tôn trọng lẫn nhau. Tôn trọng sự khác biệt chính là bắt đầu từ việc tôn trọng không gian cá nhân, tôn trọng đồ dùng, tôn trọng thói quen sở thích. Đừng vì mình lớn tuổi hơn, thân thiết mà tự ý vào phòng, tự ý động chạm đồ dùng cá nhân hay tự ý áp đặt ý kiến, suy nghĩ của mình lên các thành viên trong gia đình.
Mỗi cá nhân trong gia đình mang một màu sắc riêng biệt (Nguồn: Pinterest)
Đâu có định nghĩa cụ thể nào về “gia đình”
Gia đình trong suy nghĩ của mỗi người sẽ có một hình ảnh, một khái niệm và một ý nghĩa riêng. Điều quan trọng là mỗi người chúng ta hiểu và biết cách trân trọng gia đình của mình. Nhân ngày Quốc tế Gia đình Việt Nam 28/06, DSA mong rằng tất cả UEHers sẽ có khoảng thời gian hạnh phúc, ấm áp, tràn ngập tiếng cười bên cạnh gia đình thân yêu của mình. Hãy luôn nhớ rằng dù có gặp bất kỳ khó khăn, gian khó nào thì gia đình luôn là điểm tựa vững chắc nhất cho mỗi chúng ta. Vì vậy, đừng ngần ngại chia sẻ cùng gia đình của mình nhé.
Tin, ảnh: Phòng Chăm sóc và hỗ trợ người học (DSA)
Tài liệu tham khảo:
Lê, N. V. (2021, May 05). Vài nét về thực trạng gia đình Việt Nam hiện nay. Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông. From:
News.zing.vn (2019, August 13). Gia đình thời 4.0: Kết nối với cả thế giới nhưng cách xa nhau. Giáo dục thời đại. From:
Nguyễn, N. H. (2010, June 28). Gia đình Việt Nam: Truyền thống và hiện đại. Báo Nghệ An. From:
Ova. Văn hóa gia đình Việt Nam xưa và nay, 4 khác biệt trong gia đình Việt xưa và nay. Ova.cixiu99.com. From:
Scalert. (2023, August 15). Definition of a family: It’s not just blood. Family Focus Blog. From:
World Population review. Family Size by Country 2024. From:
Chia sẻ