Đa dạng, công bằng và hòa nhập trong thế giới cổ tích
27 tháng 12 năm 2023
Theo đuổi sự đa dạng, công bằng và hòa hợp (DEI) đã trở thành mục tiêu chung của không chỉ các trường, đại học mà còn của các công ty và các nhà lãnh đạo toàn cầu. Nếu bạn chưa quen thuộc với các khái niệm trên, bạn có thể tham khảo Bài viết của McKinsey về chủ đề này. Trong khuôn khổ bài viết này, Phòng Chăm sóc và hỗ trợ người học (DSA) sẽ dẫn các bạn lên chuyến du hành thời gian qua các câu chuyện của Disney để khám phá những nỗ lực thúc đẩy DEI của họ, cũng như những thách thức và đề xuất để cải thiện hơn.
Ngày xửa ngày xưa, trong thế giới Disney, những nàng công chúa ra đời, những anh hùng xuất hiện và những giấc mơ được chắp cánh bay xa. Tuy nhiên, đằng sau bức màn mê hoặc ấy, là câu chuyện về những thách thức, khó khăn và những bước tiến tới một vương quốc đa dạng và hòa nhập hơn. Disney, biểu tượng của trí tưởng tượng và những câu chuyện thuở ấu thơ, đang tích cực hướng tới sự đa dạng, công bằng và hòa nhập (DEI) trong vũ trụ của mình. Từ những năm đầu thành lập và đặc trưng bởi những khuôn mẫu văn hóa (cultural stereotypes) cho đến những nhân vật đa dạng và câu chuyện sống động ngày nay, Disney phản ánh một hành trình đầy biến đổi, đan xen phức tạp với những thay đổi xã hội và sứ mệnh không ngừng đem đến sự đại diện chân thực nhất.
Sự khởi đầu của Disney
Trong khoảng vài năm đầu, phim Disney chủ yếu lấy cảm hứng từ truyện cổ tích Châu Âu với các nhân vật chủ yếu là người da trắng. Chẳng hạn, những nàng công chúa được mệnh danh là “xinh đẹp nhất trần” được thể hiện với tông da trắng sữa như Bạch Tuyết (1937) hay mái tóc vàng óng mượt và màu mắt xanh của đại dương như Lọ Lem (1950), Aurora - Người đẹp ngủ trong rừng (1959). Những mảnh ghép cho ra đời những bộ phim Disney đậm chất văn hóa và thu hút sự chú ý của nhiều tâm hồn trẻ thơ.
Những vai công chúa thời kỳ đầu của Disney (Nguồn:)
Tuy nhiên, khi ta thu hẹp phạm vi lại trong sự đa dạng, công bằng và hòa nhập văn hóa, Disney không phải lúc nào cũng xuất sắc trong việc thể hiện tuyến nhân vật phong phú vì khuôn mẫu văn hóa mặc định và sự bất bình đẳng giới thấy rõ.
“Nếu người ta xếp hạng những bộ phim hoạt hình kinh điển của Disney mà không thể đi cùng với thời đại được, thì Dumbo - Chú voi biết bay có lẽ sẽ đoạt giải vàng.” - tờ Washington Post cho biết. Quả thực, nếu xem phim kỹ, bạn sẽ không chỉ bắt gặp một vài khoảnh khắc đáng nghi vấn. Đầu tiên là sự việc Dumbo gặp một đàn quạ “đen”. Những chú quạ đen này được miêu tả theo khuôn mẫu của người Mỹ gốc Phi thời đó, với kiểu nói giống nhịp điệu và những bài hát Jazz vui nhộn được sướng lên hài hòa.
Dumbo gặp một đàn quạ (nguồn: Dumbo Lover)
Dumbo còn có “Bài hát của những người Roustabouts”, được coi là phân đoạn phân biệt chủng tộc nhất trong phim. Nó mô tả các nhân vật da đen không có khuôn mặt đang đập các đinh sắt xuống đất để dựng lều xiếc và bao gồm cả lời thoại: “Hãy nắm lấy sợi dây đó đi, đồ vượn lông lá.”
Rút kinh nghiệm từ những sai lầm lịch sử, những bước tiến của Disney dần hướng tới một giai đoạn kể chuyện mang tính tiêu biểu hơn là minh chứng cho nỗ lực không ngừng hướng tới sự đa dạng và công bằng. Tuy nhiên, giai đoạn tiếp theo vẫn gây ra nhiều tranh cãi suốt nhiều năm xoay quanh chủ đề không phù hợp văn hóa hay cán cân giữa tính đại diện được xây dựng một cách tôn trọng và việc duy trì những khuôn mẫu mặc định gây hiểu lầm.
Bước chuyển mình hướng đến hòa nhập hơn: Các cột mốc và sáng kiến
Việc giới thiệu các nhân vật đa dạng hơn đã đánh dấu một sự thay đổi đáng kể trong bối cảnh kể chuyện của Disney. Trong bộ phim nổi tiếng "Aladdin" (1992), sự vắng mặt của các nhân vật chính người da trắng là một sự khác biệt đáng kể so với những câu chuyện truyền thống của Disney. Bộ phim này còn đưa nhân vật như nàng Công chúa Jasmine lên vị trí trung tâm với hình tượng đầy ý chí và tư duy tự do, thách thức những khuôn mẫu và thu hút sự chú ý từ khán giả.
Cũng vào giai đoạn này, "Mulan" (1998) là nhân vật nhận ra những rào cản của sự phân biệt xã hội trong vai trò giới, xác định lại quyền lực và thách thức sự phân biệt đối xử mà phụ nữ nói riêng và những cá nhân không hợp giới nói chung phải đối mặt. Hành trình dũng cảm của Mulan tôn vinh sự kiên cường, tìm ra chính mình và thoát khỏi những ràng buộc của xã hội.
Những nhân vật công chúa có tư duy tự do và mạnh mẽ của Disney (Nguồn: serieously)
Dẫu vậy, những nỗ lực của Disney về sự đa dạng và hòa nhập vẫn để lộ những sai sót, từ những khiếm khuyết nhỏ đến những thiếu sót đáng kể hơn. Chia sẻ với tờ Harvard Crimson, Kyla Golding bày tỏ về bộ phim “Công chúa và hoàng tử ếch”: “Tôi nhớ lần đầu tiên nhìn thấy Tiana. Cô ấy trông giống tôi. Đó là năm 2009 và lần đầu tiên, Disney đã cho các cô bé da đen cái nhìn đầu tiên về việc người xinh đẹp nhất trần có thể là người da đen.” Nàng công chúa của chúng ta, với làn da màu nâu mật, chiếc mũi rộng và mái tóc vuốt ngược lên, đã làm say đắm vô số cô bé và phụ nữ da đen khao khát được tìm thấy sự liên kết trên màn ảnh. Niềm hy vọng dâng trào khi 'công chúa da đen' đầu tiên xuất hiện, tuy nhiên phép thuật đã tan biến khi Tiana dành phần lớn thời lượng bộ phim trong vai một con ếch.
Như Kyla Golding đã bày tỏ, “Tôi đã phải đối mặt với thực tế rằng phụ nữ và các cô gái da đen luôn mạnh mẽ, kiên cường, nhưng ngay cả trong thế giới phép màu của các bộ phim Disney, chúng tôi thường không được chấp nhận để là con người."
Tiana và Hoàng tử Naveen khi còn là ếch (Nguồn: The Princess and The Frog)
Dù nói thế nào, Tiana vẫn là một cô gái kiên cường với việc theo đuổi ước mơ không ngừng nghỉ, phá vỡ các rào cản và truyền cảm hứng cho một kỷ nguyên mới của sự hòa nhập, cùng với Mulan và Jasmine. Những nhân vật đã dệt nên những câu chuyện chân thực hơn và trao quyền hơn cho nhân vật nữ trong vương quốc Disney.
Những bước tiến gần đây hay sự cố gắng quá đà?
Các bộ phim gần đây của Disney vẫn theo đuổi hành trình đa dạng, bình đẳng và hòa nhập, định hình lại các câu chuyện để phản ánh một thế giới chân thực hơn.
Zootopia - Phi vụ động trời (2016) với một cô thỏ háo hức là người đầu tiên trong "giống loài" thỏ của mình gia nhập sở cảnh sát - nơi mà phần lớn bị áp đảo bởi những loài động vật ăn thịt to lớn. Sự hiện diện của nàng sĩ quan Hopps vấp phải sự phản đối công khai vì cô là kết quả của một chương trình tuyển dụng đa dạng ép buộc. Như bộ phim miêu tả, dù rằng có sự đa dạng trong sở cảnh sát, nhưng những kỹ năng và giá trị của Judy Hopps bị coi thường vì cô ấy khác biệt và các công cụ, sự hỗ trợ và nguồn lực mà cô ấy cần bị hạn chế so với phần còn lại của lực lượng cảnh sát.
Thông qua các nhân vật hoạt hình 3D dễ thương giúp khám phá ra nhiều bài học sâu sắc rằng: Một môi trường đa dạng không đồng nghĩa với một môi trường hòa nhập, bình đẳng; bạn không cần phải “trông phù hợp” để được cân nhắc cho một công việc nào đó; sự hòa nhập thực sự đòi hỏi nỗ lực và sẵn sàng giải quyết những sự thật khó đối mặt. Để thúc đẩy sự hòa nhập, chúng ta phải biết chấp nhận sự khác biệt, học hỏi từ những sai lầm và có can đảm để đương đầu với những vấn đề khó nhằn. Thông qua việc giải quyết những thách thức này, chúng ta sẽ mở ra con đường hướng tới một môi trường làm việc đa dạng và thực sự công bằng, hòa nhập.
Judy Hopps giữa một môi trường làm việc “không phù hợp” (Nguồn: Zootopia)
Trong khi đó, Big Hero 6 (2014) đã tạo ra một thị trấn tương lai - San Fransokyo, sự kết hợp giữa Tokyo và San Francisco. Đạo diễn Don Hall nói với BuzzFeed News: “Bộ phim này đã cho chúng tôi một cơ hội hoàn hảo để tạo ra một dàn nhân vật đa dạng”. Tác phẩm hoạt hình này đã cho chúng ta thấy một thế giới nơi những đứa trẻ thông minh nhất trường là người da màu và linh vật của đội bóng lại là học sinh da trắng.
Nhân vật Wasabi, phá vỡ khuôn mẫu với vóc dáng to lớn, mái tóc dreadlock ngắn - thường liên tưởng đến những chàng tay sai đáng sợ trong phim lại là một chàng trai thích tuân thủ luật lệ và sở hữu chuyên môn vượt trội trong kỹ thuật robot.
Big Hero 6 cũng hướng tới việc phá bỏ định kiến về giới với những cô gái táo bạo và thông minh chiếm vị trí trung tâm qua nhân vật Go Go Tomago và Honey Lemon, cả hai đều là phụ nữ da màu.
Dàn nhân vật đa dạng của Big Hero 6 (Nguồn: Big Hero 6)
Bây giờ, hãy cùng nhìn vào những tác phẩm gần đây nhất của Disney như Nàng tiên cá (2023), chúng ta có thể bắt gặp rất nhiều cuộc tranh luận sôi nổi về chủ đề đa dạng ép buộc (forced diversity) và đa dạng tự nhiên (organic diversity). Diễn viên được chọn vào vai nàng tiên cá Ariel là Halle Bailey - một nữ diễn viên da màu trong một vai diễn mà đối với nhiều người hâm mộ, là “dành riêng cho người da trắng” hoặc “không tuân thủ hướng đi của cốt truyện gốc”.
Halle Bailey vai chính - Ariel trong phim Nàng Tiên Cá của Disney (2023) (Nguồn: Live-action Nàng Tiên Cá)
Sẽ mãi có những cuộc tranh luận diễn ra về cán cân giữa tính đại diện thực sự và việc nói hay làm những hành động sáo rỗng trên các phương tiện truyền thông. Tuy nhiên, ảnh hưởng của Disney trong việc ủng hộ và quảng bá sự đa dạng đã giúp thay đổi định kiến xã hội và thúc đẩy một thế giới quan bình đẳng, toàn diện và hòa nhập hơn tới khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ.
đã luôn thể hiện cam kết của mình trong việc thúc đẩy DEI trong cả nội dung, lực lượng lao động và sự tham gia của cộng đồng, nhằm tạo ra nhiều cách kể chuyện đa dạng hơn và thúc đẩy một môi trường hòa nhập cho tất cả khán giả và nhân viên của mình.
UEH cũng đang trên hành trình phá bỏ những rào cản xã hội, thúc đẩy hành động liên quan đến DEI tại từng cơ sở với các hội thảo, thảo luận nhóm như Phá vỡ định kiến và các sáng kiến hỗ trợ các nhóm thiểu số, học sinh khuyết tật. Và đừng ngần ngại ghé thăm English Zone để thảo luận và tìm hiểu thêm về Đa dạng, Công bằng và Hòa nhập (DEI) trong một môi trường nơi bạn có thể chia sẻ ý kiến, nêu lên quan điểm và học hỏi từ cộng đồng cũng như khám phá cách cộng đồng đang nỗ lực quảng bá DEI.
Tin, ảnh: Phòng Chăm sóc và hỗ trợ người học
Tài liệu tham khảo
Andrews, T. M., & Andrews, T. (2019, March 29). Analysis | The original 'Dumbo' was decried as racist. Here's how Tim Burton's version addresses that. Washington Post. Retrieved December 23, 2023, from //www.washingtonpost.com/arts-entertainment/2019/03/29/original-dumbo-was-decried-racist-heres-how-tim-burtons-version-addresses-that/
Carter, K. L. (2014, November 4). "Big Hero 6" Is Disney's Most Diverse Movie Yet. BuzzFeed. Retrieved December 23, 2023, from //www.buzzfeed.com/kelleylcarter/big-hero-6-is-disneys-most-diverse-movie-yet
Colopy, J. (2023, June 20). Disney Diversity Department Shaken by Sudden Departure - Inside the Magic. InsidetheMagic.net. Retrieved December 22, 2023, from //insidethemagic.net/2023/06/disney-diversity-department-departure-jc1/
Golding, K. N. (2021, March 16). When She’s Black, The Princess is the Frog | Opinion. The Harvard Crimson. Retrieved December 23, 2023, from //www.thecrimson.com/article/2021/3/16/golding-princess-is-the-frog/
Hermoza, L. (2023, August 17). The Evolutionary History of Incorporating Diversity and Inclusion Into Disney Animation - Inside the Magic. InsidetheMagic.net. Retrieved December 22, 2023, from //insidethemagic.net/2023/08/how-disneys-representation-of-culture-and-diversity-has-changed-over-the-years-lh1/
Johnson, K. (2019, June 24). . . - YouTube. Retrieved December 23, 2023, from //www.linkedin.com/pulse/5-lessons-from-disneys-zootopia-kelley-johnson/
OpenOregon. (n.d.). Mulan (1998) – Difference, Power, and Discrimination in Film and Media: Student Essays. Open Oregon Educational Resources. Retrieved December 23, 2023, from //openoregon.pressbooks.pub/dpdfilm/chapter/mulan-1998/
Romano, A. (2022, September 17). The Little Mermaid remake: The racist backlash over increased diversity, explained. Vox. Retrieved December 24, 2023, from //www.vox.com/culture/23357114/the-little-mermaid-racist-backlash-lotr-rings-of-power-diversity-controversy
Chia sẻ