Bạn đã sẵn sàng cho Dopamine Fasting?

08 tháng 10 năm 2024

Bạn đặt điện thoại xuống sau khi lướt Tiktok quá 180 phút một ngày và cảm thấy mọi thứ xung quanh trở nên trống rỗng. Lướt càng nhanh, xem càng nhiều, bạn càng cảm thấy chẳng có gì thú vị. Những thứ trước đây từng cho bạn cảm giác vui vẻ giờ đây dường như chẳng còn đủ cho bạn nữa. Nếu bạn thấy bản thân mình trong ví dụ trên, rất có thể bạn đang “bội thực Dopamine” - bị phụ thuộc vào lượng hormone hạnh phúc khiến bạn lặp đi lặp lại một công việc, động tác cho đến khi mệt mỏi và hoàn toàn cảm thấy mất phương hướng.

Liều thuốc Dopamine: Có phải càng nhiều càng tốt?

Dopamine, thường được gọi là "hormone hạnh phúc," thực chất là một chất dẫn truyền thần kinh được tạo ra từ tyrosine, đóng vai trò quan trọng đối với não bộ và cơ thể. Là một phần của bản năng sinh tồn, dopamine ảnh hưởng đến nhiều hành vi hàng ngày và các hoạt động thể chất. Nói chung, dopamine tham gia vào hệ thống cơ thể để thúc đẩy động lực, quá trình học tập và cảm giác vui vẻ.

Dopamine liên quan đến cảm giác hưng phấn và hạnh phúc của chúng ta (Nguồn: )

Tuy nhiên trong thời đại ngày nay, bao quanh chúng ta là vô vàn kiểu kích thích khác nhau, từ mạng xã hội, đồ ngọt cho đến caffeine, thuốc lá,... Nếu ngày trước một ly cafe là đủ để bạn tỉnh táo chạy deadline suốt đêm, thì bây giờ có uống bao nhiêu ly cũng không thể kéo được bạn thoát khỏi cơn buồn ngủ. Rất nhiều thứ bạn thích và tiêu thụ thường xuyên, sau một thời gian sẽ cần tăng “đô” lên để đạt được cảm giác hưng phấn tương đương với khoảng thời gian ban đầu. Nghiêm trọng hơn, một nghiên cứu từ PubMed Central cho thấy rằng những kích thích tiêu cực này thường làm tăng lượng dopamine trong não, khiến chúng trở nên hấp dẫn hơn so với các kích thích lành mạnh khác. Một khi mất kiểm soát, ta sẽ vô thức lặp đi lặp lại những hoạt động này ở cường độ cao và biến chúng thành hành vi bốc đồng cưỡng chế.

Dopamine Fasting - kỹ thuật để giảm căng thẳng và thực hành chánh niệm

Nguồn:

Mục đích ban đầu đằng sau dopamine fasting là đưa ra lý do căn bản và gợi ý để thoát khỏi những ngày vội vã do công nghệ điều khiển và thay thế các hoạt động đơn giản hơn để giúp chúng ta kết nối lại với chính mình. Trên thực tế, lý thuyết này cũng gần giống phương pháp thực hành chánh niệm và nâng cao chất lượng giấc ngủ, như không sử dụng các thiết bị có màn hình ánh sáng xanh trước khi đi ngủ.

Thời gian detox thường kéo dài trong vòng 90 ngày. Tuy vậy, không có một mốc thời gian nào cố định cho tất cả mà sẽ điều chỉnh sao cho phù hợp với mỗi người do phần thưởng mỗi cá nhân đặt ra cho bộ não của mình là khác nhau. Theo PsychCentral, sau đây là 4 cách giúp bạn sống chậm lại và tìm lại niềm vui trong cuộc sống:

1. Vạch giới hạn: Đặt nhắc nhở về thời gian sử dụng các trang mạng xã hội trên điện thoại, hay tạo tài khoản tiết kiệm hàng tháng để quản lý chi tiêu cá nhân. 

2. Viết lại cảm xúc trong ngày: Việc ghi lại những suy nghĩ, thói quen hàng ngày có thể giúp bạn nhìn nhận tốt hơn nguyên nhân đằng sau việc nghiện các kích thích mạnh của mình, từ đó có cách giải quyết triệt để thay vì khiến bản thân dần chìm sâu.

3. Bắt đầu một thói quen thay thế: Âm nhạc và vận động là hai lựa chọn thường được ưu tiên bởi chúng rất dễ thực hiện nhưng lại đem đến năng lượng sự tích cực kéo dài. Thay vì dành cả ngày thứ 7 ở nhà bấm điện thoại, bạn có thể bắt đầu đăng ký tập gym, dành thời gian nghe một playlist ưa thích, đăng ký workshop… Việc thay thế lặp lại trong thời gian dài sẽ giúp ta quên và “cai” luôn cảm giác nặng đô lúc trước.

4. Tạo những kết nối chất lượng: Chúng ta thường bị ảnh hưởng bởi tương tác người - người trong cuộc sống, giúp điều chỉnh và uốn nắn tinh thần. Chơi cùng một nhóm bạn với các thói quen lành mạnh sẽ giúp bạn lượm nhặt những điều hay và bù đắp cho phần thiếu sót của chính mình.

Những hoạt động trên chính là minh chứng cho sức mạnh: phát triển sức khỏe tinh thần, củng cố sức khỏe thể chất, giúp ta kiểm soát cảm xúc tốt hơn và làm việc hiệu quả hơn.

Chạy theo Dopamine là bản năng, nhưng việc nhận biết và rèn dũa giới hạn bản thân mới chính là thứ chúng ta cần học, thể hiện sự phát triển về mặt nhận thức và giá trị bên trong của con người. Và học cách tận hưởng những điều dù là nhỏ nhất trong cuộc sống chính là con đường bền vững nhất dẫn ta đến tương lai, đến một phiên bản hoàn thiện hơn của chính mình.

Tin, ảnh: Ban Chăm sóc người học

Nguồn:

Chia sẻ