Thành phố Hồ Chí Minh tìm phương pháp đo lường quá trình phát triển của kinh tế số
03 tháng 05 năm 2024
[Sài Gòn Giải Phóng Online] Ngày 26-4, Sở Thông tin và Truyền thông (Sở TT-TT) phối hợp với Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh (UEH) tổ chức hội thảo với chủ đề “Nghiên cứu giải pháp phát triển kinh tế số TPHCM”. Hội thảo nằm trong đề án nghiên cứu phát triển kinh tế số do Sở TT-TT TP. HCM chủ trì.
Theo ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở TT-TT, Trung ương giao cho TP. HCM mục tiêu năm 2024, kinh tế số sẽ đóng góp 22% vào chỉ số GRDP của TP, đến năm 2030 là 40%. Để đạt được mục tiêu đó, TP. HCM thúc đẩy phát triển kinh tế số trong các ngành quan trọng như giáo dục, y tế, an sinh xã hội, du lịch, hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số; tập trung phát triển Khu Công nghệ cao và Công viên phần mềm Quang Trung. TP. HCM muốn phát triển kinh tế số trong các ngành, các lĩnh vực chứ không chỉ trong các ngành, các lĩnh vực “kinh tế số lõi” (công nghệ thông tin, viễn thông).
Ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở TT-TT TP. HCM phát biểu tại hội thảo
Ông Lâm Đình Thắng cho biết, thị trường kinh tế số tại TP. HCM được đánh giá là đầy triển vọng và sôi động, đòi hỏi có những giải pháp hiệu quả để đo lường quá trình phát triển nhanh chóng này. TPHCM hiện nay có đo lường về tốc độ tăng trưởng hằng năm nhưng đánh giá về mức độ bền vững của nền kinh tế số thì chưa có. TP. HCM rất cần công cụ đo lường quá trình phát triển của kinh tế số định kỳ để có giải pháp mới hoặc điều chỉnh chính sách kịp thời.
Các đại biểu tham dự hội thảo
Nhóm nghiên cứu Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh đã trình bày về phương pháp thu thập dữ liệu, phân tích và đánh giá kinh tế số cho TP. HCM. Đây là các giải pháp hiện đại, hiệu quả và ứng dụng triệt để công nghệ, tuy nhiên vẫn đảm bảo được tính địa phương của đô thị ven sông Sài Gòn. Theo đó, nhóm nghiên cứu đề xuất sử dụng bộ dữ liệu của OECD (Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế).
Quang cảnh buổi hội thảo
Về phương pháp đo, nhóm tác giả xây dựng theo 4 bước. Bước 1 là xác định hệ số đóng góp của các ngành kinh tế số hóa. Bước 2 là hiệu chỉnh hệ số đóng góp. Bước 3 là xác định giá trị đóng góp của ngành kinh tế số lõi vào GRDP. Bước 4 là tính tỷ trọng đóng góp giá trị tăng thêm của ngành kinh tế số trong GRDP.
Cũng tại hội thảo, Tiến sĩ kinh tế Jaeuk Ju (Cơ quan tư vấn và nghiên cứu chính sách Seoul) đã chia sẻ về cách đo lường kinh tế số tại Hàn Quốc. Theo đó, Hàn Quốc tiến hành điều tra kinh tế 5 năm/lần theo các ngành. Các chỉ số chính là số lượng doanh nghiệp, việc làm, bán hàng, giá trị gia tăng… Căn cứ vào kết quả đo lường của chính phủ, chính quyền địa phương sẽ có các chính sách cụ thể. Ví dụ như ở Seoul thì chính quyền thủ đô đã thành lập các cụm công nghiệp có trang bị cơ sở vật chất hiện đại và hỗ trợ các công ty khởi nghiệp.
Nguồn: Sài Gòn Giải Phóng Online
Chia sẻ