Lần đầu tiên đào tạo ngành mới tích hợp công nghệ ứng dụng
20 tháng 02 năm 2024
[Báo Tuổi Trẻ] Mùa tuyển sinh 2024, nhiều trường đại học mở thêm nhiều ngành học mới lạ, trong đó có các ngành tích hợp công nghệ ứng dụng lần đầu được đào tạo tại Việt Nam.
Ngành công nghệ thẩm mỹ có cơ hội nghề nghiệp đa dạng và xu hướng phát triển cao trong tương lai - Ảnh: Xuân Dung
Những ngành học này được các trường thiết kế theo định hướng công nghệ ứng dụng với mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu xã hội.
“Trong bối cảnh hiện nay, ArtTech đóng vai trò như điểm giao cắt quan trọng giữa sức sáng tạo nghệ thuật và tiến bộ công nghệ.” - TS Yi Dong Su - Phó Trưởng khoa Thiết kế - Truyền thông, Trường Công nghệ và Thiết kế UEH (UEH - CTD) chia sẻ.
Giao thoa nhiều lĩnh vực đào tạo
Năm 2024, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh (UEH) mở mới hai ngành học đặc biệt, tiếp tục phát triển đào tạo nhân lực theo hướng đa ngành đa lĩnh vực, định hướng công nghệ ứng dụng. Đó là hai chương trình học tích hợp công nghệ ứng dụng: ArtTech (công nghệ nghệ thuật) và điều khiển thông minh và tự động hóa.
PGS.TS Bùi Quang Hùng - Phó Giám đốc UEH cho biết: "Với cách tiếp cận đa ngành, liên ngành và xuyên ngành, kiến thức của một ngành học tại UEH được thiết kế giao thoa trong mối tương tác lĩnh vực đó với nhiều lĩnh vực khác nhau, đặc biệt là lĩnh vực công nghệ và thiết kế ứng dụng. Sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể làm việc ở nhiều ngành/nhóm ngành khác nhau và có năng lực thích ứng nhanh chóng nghề nghiệp ở đa dạng lĩnh vực thay vì giới hạn trong một ngành nghề nhất định".
Trong đó, ArtTech thuộc ngành công nghệ thông tin. Đây là lần đầu tiên một chương trình ArtTech chuyên sâu được đưa vào đào tạo bậc đại học tại Việt Nam.
Theo TS. Yi Dong Su - Phó Trưởng khoa Thiết kế - Truyền thông (UEH - CTD), chuyên ngành học này là sự giao thoa giữa nghệ thuật và công nghệ, kết hợp giữa tri thức của các nghệ sĩ và kỹ sư để tạo ra những tác phẩm sáng tạo.
Các phương tiện truyền thống như hội họa, điêu khắc, âm nhạc truyền thống được kết hợp với công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo và các công nghệ tiên tiến khác để tạo ra những trải nghiệm độc đáo và tinh tế.
"Art and Technology mở rộng các giới hạn của nghệ thuật truyền thống, tạo ra các sáng tạo đột phá, được ứng dụng thực tiễn trong các lĩnh vực như giáo dục, giải trí, truyền thông sự kiện, tiếp thị, công nghiệp sáng tạo, triển lãm, biểu diễn. Trong bối cảnh hiện nay, ArtTech đóng vai trò như điểm giao cắt quan trọng giữa sức sáng tạo nghệ thuật và tiến bộ công nghệ" – TS. Yi Dong Su chia sẻ.
Ngành học có tính sáng tạo cao
Công nghệ thẩm mỹ cũng là ngành học hoàn toàn mới lần đầu tiên được đào tạo tại một số trường đại học từ năm nay.
Theo ThS. Nguyễn Trần Ngọc Phương - Giám đốc Trung tâm Marketing và Phát triển thương hiệu Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, công nghệ thẩm mỹ là ngành học ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ trong các lĩnh vực (sinh học, hóa học, dược học, y học...) vào quá trình nghiên cứu giải pháp chăm sóc sắc đẹp. Sinh viên theo học ngành này sẽ được cung cấp kiến thức trong lĩnh vực thẩm mỹ, nghệ thuật làm đẹp như làm đẹp da, móng, tóc; kiến thức chăm sóc cơ thể như dinh dưỡng làm đẹp, chăm sóc sắc đẹp, trị liệu cơ thể làm đẹp, spa...
Bên cạnh đó, người học có thể sáng tạo và phát triển các sản phẩm dinh dưỡng chức năng, mỹ phẩm chăm sóc da và cơ thể cũng có trong nội dung học tập và kể cả kiến thức về vận hành và kinh doanh các dịch vụ trong lĩnh vực thẩm mỹ (spa chăm sóc và trị liệu, kinh doanh sản phẩm mỹ phẩm, dinh dưỡng chăm sóc sắc đẹp...).
"Sinh viên tốt nghiệp ngành công nghệ thẩm mỹ có thể đảm nhiệm các vị trí như chuyên viên chăm sóc sắc đẹp; chuyên viên trang điểm - thẩm mỹ; đại diện thương hiệu mỹ phẩm; chuyên gia tư vấn giải pháp dinh dưỡng trong lĩnh vực làm đẹp và chăm sóc sức khỏe; nghiên cứu quy trình sản xuất sản phẩm dinh dưỡng cải thiện sức khỏe và sắc đẹp; quản lý và vận hành các cơ sở spa, chăm sóc sắc đẹp và trị liệu; nghiên cứu, giảng dạy hoặc khởi nghiệp trong lĩnh vực này..." - ThS. Nguyễn Trần Ngọc Phương cho hay.
TS Võ Văn Tuấn - Phó Hiệu trưởng thường trực Trường ĐH Văn Lang cũng cho biết: "Việc ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ trong chế tạo mỹ phẩm và các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe trong chăm sóc sắc đẹp trở nên cần thiết trong xã hội hiện đại. Công nghệ thẩm mỹ là ngành học có tính sáng tạo rất cao, với mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghệ chế tạo và ứng dụng các loại mỹ phẩm trong công nghệ thẩm mỹ. Hiện nay, nhu cầu thẩm mỹ, làm đẹp của con người ngày càng được chú trọng, tạo cơ hội cho ngành học này phát triển và có nhiều cơ hội việc làm cho sinh viên sau tốt nghiệp".
Tạo ra các giải pháp ứng dụng công nghệ
Trong khi đó, đối với Chương trình điều khiển thông minh và tự động hóa thuộc ngành trí tuệ nhân tạo của UEH. PGS.TS Nguyễn Trường Thịnh - Viện trưởng Viện Công nghệ thông minh và tương tác (UEH – CTD) nhận định Việt Nam đang là thị trường tiềm năng hàng đầu của ngành sản xuất chip và linh kiện bán dẫn.
Ngành công nghiệp này không chỉ cần các kỹ sư chuyên về kỹ thuật, nghiên cứu và phát triển linh kiện mà còn cần các kỹ sư vận hành lập trình hệ thống sản xuất tự động và thông minh, thấu hiểu nhà máy, dây chuyền, quy trình sản xuất và ứng dụng một cách sáng tạo để gia tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả một cách thông minh.
"Do đó, UEH phát triển chuyên ngành học giao thoa giữa kỹ thuật, khoa học máy tính và công nghệ tự động hóa ứng dụng. Chương trình giúp sinh viên hiểu kỹ thuật, công nghệ và vận hành, quản trị sản xuất, từ đó tạo ra các giải pháp ứng dụng công nghệ để làm cho một hệ thống trở nên tự động mà không cần sự can thiệp của con người. Đặc biệt, được ứng dụng trong các ngành công nghiệp sản xuất, ô tô tự hành, tiết kiệm năng lượng và blockchain. Các kỹ sư tốt nghiệp có khả năng phát triển và cung cấp giải pháp tự động hóa thông minh như nhà máy thông minh, nhà xưởng thông minh và nhà thông minh" - PGS.TS Nguyễn Trường Thịnh chia sẻ.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ
Chia sẻ