Các trường đại học kinh tế top đầu thay đổi chỉ tiêu tuyển sinh
22 tháng 02 năm 2022
[VnExpress] - Đại học Kinh tế TP HCM, Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Kinh tế - Luật thay đổi chỉ tiêu tuyển sinh, chú trọng yếu tố quốc tế hóa, điều chỉnh nội dung đào tạo.
Số thứ hai của chuỗi tọa đàm "UniPrep - Sắp vào đại học" do VnExpress phối hợp với Viện ISB, Đại học Kinh tế TP HCM phát sóng vào 20h ngày 17/2. Tại đây, hiệu trưởng của ba trường đại học này đã chia sẻ về những thay đổi trong nội dung đào tạo, phương thức tuyển sinh khối ngành kinh tế, từ đó, đưa ra lời khuyên về kiến thức, tâm lý... cho sinh viên trước khi bước vào kỳ tuyển sinh.
Độc giả theo dõi chương trình .
Nội dung đào tạo cần đáp ứng thực tế xã hội
Theo chuyên gia từ các trường đại học trong và ngoài nước, trước bối cảnh "không chắc chắn", khó đoán hậu Covid-19, sinh viên cần có bộ kỹ năng nền tảng để nhanh chóng thích ứng với mọi sự chuyển biến của thị trường lao động. Trong đó có kỹ năng sáng tạo, công nghệ, học tập suốt đời và trí tuệ cảm xúc.
Do đó, các trường đại học kinh tế top đầu, cụ thể là Đại học Kinh tế TP HCM (UEH), Đại học Kinh tế Quốc dân (NEU), Đại học Kinh tế - Luật (UEL) đều đổi mới, mở rộng nội dung, chuyên ngành đào tạo để phù hợp với xu thế thực tiễn.
Giáo sư, Tiến sĩ Sử Đình Thành - Hiệu trưởng Đại học Kinh tế TP HCM (hàng trên, bên phải); Phó giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân (hàng dưới, bên trái); Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng - Hiệu trưởng Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP HCM (hàng dưới, bên phải) và host - Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Hà Minh Quân, Viện trưởng ISB, Đại học Kinh tế TP HCM (hàng trên, bên trái)
Giáo sư, Tiến sĩ Sử Đình Thành - Hiệu trưởng UEH cho biết, trường chú trọng đào tạo kỹ năng sáng tạo của sinh viên bởi đây là hành trang xuyên suốt quá trình phát triển. Ông nhận định kỹ năng này là cách mỗi người xử lý vấn đề theo giải pháp hiệu quả và có tính độc đáo. Vì vậy, UEH thực hiện phương châm: sinh viên không học để tiếp nhận kiến thức mà học để giải quyết bài toán thực tiễn. "Từ kiến thức tiếp nhận được, sinh viên cần xử lý để đưa ra giải pháp, không chỉ ở địa phương mà còn mang tầm vóc toàn cầu", ông nói thêm.
Từ nhận thức đó, Đại học Kinh tế TP HCM chuẩn bị ba yếu tố nền tảng, gồm: đào tạo theo hướng đa ngành, liên ngành; quốc tế hóa và đổi mới phương thức giảng dạy. Tức, trường trang bị cho người học cách nhìn tổng quan, mối liên kết giữa sự vật và hiện tượng. Thứ hai, sinh viên ra trường trong bối cảnh hiện nay cần có tầm nhìn và hiểu được vấn đề quốc tế, từ văn hóa đến hội nhập của khu vực, thế giới.
Vì vậy, trường đẩy mạnh việc thay đổi hướng tới tính quốc tế hóa, được các trường đại học trên thế giới thừa nhận, đồng thuận trao đổi sinh viên, đồng thời, liên kết với các hiệp hội nghề nghiệp để sinh viên hiểu được tình hình thực tiễn.
Giáo sư, Tiến sĩ Sử Đình Thành - Hiệu trưởng Đại học Kinh tế TP HCM
Cuối cùng, UEH đổi mới phương pháp, quy trình đào tạo để xử lý tốt nội dung; áp dụng mô hình blended learning (kết hợp hình thức học truyền thống và trực tuyến) nhằm kích thích tính sáng tạo của sinh viên.
Sau kỹ năng sáng tạo, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng - Hiệu trưởng Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP HCM chia sẻ về năng lực nghề nghiệp. Theo ông, yếu tố quốc tế hóa rất quan trọng nhưng cũng cần gắn liền với nhu cầu đất nước, địa phương. Điều này trước hết cần thể hiện ở chương trình đào tạo được kiểm định bởi các tổ chức trong nước và quốc tế.
Do đó, trường quy định cứ hai năm lại rà soát một lần, 4 năm cần có điều chỉnh lớn để đáp ứng yêu cầu thực tế cũng như phát triển về mặt khoa học kỹ thuật. Bên cạnh đó, chương trình đào tạo cần gắn liền với nhu cầu của doanh nghiệp. Vì vậy, UEL thường xuyên khảo sát sinh viên về cơ hội việc làm để có đánh giá kịp thời.
Sinh viên cũng cần được trang bị các kỹ năng mềm như tổ chức quản lý, tố chất lãnh đạo... thông qua các hoạt động gắn kết cộng đồng, doanh nghiệp và kỳ thực tập. "Chúng tôi tạo điều kiện cho sinh viên thực tập cả trong và ngoài nước như Singapore, Thái Lan... và nhận chứng chỉ từ các tổ chức quốc tế", ông nói thêm.
Phó giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Chương - Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân chia sẻ về năng lực công nghệ. Theo ông, công nghệ đang len lỏi vào trong từng ngõ ngách, có thể thay thế nhiều hoạt động truyền thống. Do đó, NEU tập trung nhiều vào công tác nâng cao kỹ năng này để sinh viên có kiến thức, công cụ hòa nhập với môi trường thực tiễn trong thời đại 4.0.
Cụ thể, trường yêu cầu giảng viên, khoa, viện, đưa hàm lượng công nghệ vào từng môn học như kế toán, kiểm toán, quản trị khách sạn, lữ hành, logistics... Bên cạnh lý thuyết, NEU còn đưa các nền tảng, công cụ mới, đang được sử dụng tại các doanh nghiệp vào giảng dạy, đồng thời, tạo môi trường công nghệ trong cuộc sống sinh hoạt, học tập để sinh viên có thể làm chủ, thành thạo công nghệ.
Phó giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Chương - Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân
Ngoài ra, trường còn cung cấp các lớp học bồi dưỡng hai trong những công nghệ đang "hot" nhất hiện nay: trí tuệ nhân tạo (AI) và Big data. "Chúng tôi dự định 2 năm nữa, đó sẽ là kiến thức bắt buộc, sinh viên Đại học Kinh tế Quốc dân không chỉ đạt chuẩn quốc tế về ngoại ngữ, mà còn có kỹ năng sử dụng AI, Big data để xử lý công việc hàng ngày", ông nói thêm.
Những thay đổi trong phương thức tuyển sinh
Thầy Sử Đình Thành cho biết, năm nay, Đại học Kinh tế TP HCM tập trung vào nhóm học sinh giỏi, đặc biệt là trong yếu tố năng lực chuyên môn và trình độ ngoại ngữ. Đây là một trong những hoạt động hướng đến củng cố tính quốc tế hóa trong chương trình, mục tiêu đào tạo của trường.
Trong bối cảnh có nhiều trường thay đổi phương thức tuyển sinh và đưa ra hàng loạt vấn đề, UEH sẽ thực hiện nhiều chiến lược để thu hút sinh viên tài năng, tạo cơ hội cho sinh viên lựa chọn hướng đi phù hợp với năng lực tuyển sinh. Theo đó, trường giữ nguyên 6 phương thức tuyển sinh 2022 và điều chỉnh tỷ lệ chỉ tiêu. Trường cũng mở thêm ngành Công nghệ và đổi mới sáng tạo, Truyền thông số và thiết kế đa phương tiện, đồng thời, cho phép sinh viên học song bằng.
Với Đại học Kinh tế - Luật, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng cho biết, hàng năm, trường đều rà soát để điều chỉnh, xây dựng đề án tuyển sinh phù hợp với điều kiện chung và tình hình thực tế. Ví dụ, thông qua các kỳ đánh giá thị trường lao động, yêu cầu năng lực đối với sinh viên tốt nghiệp, UEL sẽ đưa ra phương thức tuyển sinh riêng bên cạnh quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đại học Quốc gia TP HCM có xét tuyển thẳng học sinh giỏi nhất của các trường THPT trên toàn quốc vào một trong những các trường thành viên, trong đó có Đại học Kinh tế - Luật.
Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng - Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP HCM
Tương tự nhiều trường kinh tế top đầu khác, UEL cũng giảm chỉ tiêu đối với phương thức xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp, tăng chỉ theo phương thức thành tích trong kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP HCM. Năm nay, kỳ thi này có đến 17 điểm tổ chức, bắt đầu từ ngày 27/3.
Theo đó, ông khuyến khích học sinh chuẩn bị thi đại học chú trọng vào yếu tố quốc tế hóa, nâng cao năng lực ngoại ngữ. Trường dự kiến có 5 phương thức tuyển sinh, trong đó, có hai phương thức có liên quan đến các chứng chỉ ngoại ngữ, năng lực quốc tế.
Hiệu trưởng Đại học Kinh tế - Luật cũng khuyên các bạn trẻ khi ứng tuyển đại học nên có tư duy phản biện, xác định đam mê ngành nghề, chủ động tìm hiểu về trường, tinh thần sẵn sàng tiếp thu tri thức mới để thích ứng với tính liên ngành kinh tế - luật của trường, tiếp cận công nghệ trong từng môn học. Từ đó, các em có thể trở thành một thành viên có trách nhiệm, đóng góp xây dựng và phát triển cộng đồng trong tương lai, vươn lên thành công dân toàn cầu.
Điểm mới nhất trong phương thức tuyển sinh của Đại học Kinh tế Quốc dân là áp dụng điểm đánh giá tư duy và năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP HCM và Đại học Bách khoa Hà Nội. Phó giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Chương nhận định các kỳ thi này cho phép trường lựa chọn được những học sinh có đủ khả năng học tại trường top đầu Việt Nam. Đồng thời, NEU cũng thay đổi tỷ lệ giữa các phương thức tuyển sinh do sự thay đổi trong đề, mục đích thi của kỳ thi THPT để chọn sinh viên phù hợp với từng chuyên ngành đào tạo.
Ngoài ra, ông Chương chia sẻ, những năm gần đây, Đại học Kinh tế Quốc dân đã mở thêm nhiều ngành mới, phù hợp với xu thế như Công nghệ tài chính; Kinh doanh số; Logistics; ngành kế toán, kiểm toán có tích hợp chứng chỉ quốc tế ICAEW, ACCA;... Do đó, năm 2022, trường dự kiến mở thêm hai ngành liên quan đến kinh tế số và AI, Big data, đồng thời, nâng cao chất lượng đào tạo công nghệ thông tin.
Cuối chương trình, các chuyên gia khẳng định, nhu cầu nhân lực đối với ngành kinh tế vẫn rất lớn. Thị trường lao động trong thời đại 4.0 luôn cần người lao động có trình độ cao, nhất là nhân sự có năng lực công nghệ.
Nguồn: Báo VnExpress
"UniPrep - Sắp vào đại học" là chuỗi sự kiện đồng tổ chức bởi Viện ISB, Đại học Kinh tế TP HCM và báo điện tử VnExpress nhằm cung cấp thông tin để học sinh có thêm kiến thức cụ thể về ngành học tương lai, giúp phụ huynh có thêm thông tin để đồng hành chọn trường cùng con.
10 số tọa đàm trực tuyến tương ứng với 10 chủ đề "nóng" về tuyển sinh năm 2022, xu thế việc làm và sự phát triển của các ngành trong bối cảnh hậu Covid.
Chuỗi sự kiện quy tụ hơn 30 diễn giả là các giáo sư, tiến sĩ đến từ top trường đại học hàng đầu trong giảng dạy ngành kinh tế ở trong và ngoài nước, các chuyên gia, lãnh đạo cấp cao từ tổ chức nghề nghiệp và doanh nghiệp quy mô. Độc giả đăng ký tham gia
|
Chia sẻ