Bí quyết “nâng cấp” bản thân năm 2023: Khi kỹ năng mềm là thứ không thể thiếu
30 tháng 03 năm 2023
Thời đại công nghệ ngày càng phát triển, con người và đặc biệt là thế hệ gen Z không chỉ tồn tại mối quan hệ làm việc, cộng tác giữa người với người mà còn là giữa người với Robot. Chính vì vậy, thật khó để thích ứng với xu hướng này nếu bạn không thật sự dành thời gian để cải thiện những kỹ năng vốn có cũng như cập nhật những kỹ năng mới cho bản thân. Liệu chỉ kiến thức ở giảng đường đã là đủ? Liệu những kỹ năng hiện tại của mình có đáp ứng được với tốc độ phát triển của thời đại bây giờ hay không? Trong khuôn khổ bài viết này, DSA xin chia sẻ với bạn một số những kỹ năng giúp bạn có thể sẵn sàng đương đầu với những thay đổi bất ngờ trong năm 2023 này nhé!
Trí tuệ nhân tạo - Artificial Intelligence (Al)
Al hay còn được gọi là Trí tuệ nhân tạo đang là một trong những chủ đề nóng bỏng nhất trong những năm trở lại đây. Ngày nay con người ta không chỉ còn làm việc bằng tay chân hay trí óc nữa mà thay vào đó là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa con người và robot trong việc giải quyết rất nhiều vấn đề của cuộc sống, như là tại nơi làm việc, nhà máy, hay việc chăm sóc, dọn dẹp nhà cửa,.. Tất cả đều có sự tham gia của Al. Thế nên, đối với thế hệ gen Z, chúng ta có thể bắt đầu làm quen với Al từ việc nghiên cứu và sử dụng thành thạo toàn bộ các ứng dụng của Microsoft như Word, Excell; Gmail, Calendar của Google hay các ứng dụng giúp tổ chức các cuộc họp, webinar trực tuyến như Zoom, Skyper. Ngoài ra, hãy luôn dành thời gian để nhiên cứu và tiếp cận với các công cụ có ứng dụng Al như ChatGPT, Notion Al,... luyện tập và sử dụng triệt để các công cụ đó vào cuộc sống giúp tăng năng suất làm việc của bạn lên cao hơn.
Một số công cụ của Google tích hợp AI có lẽ đã khá là quen thuộc đối với các bạn sinh viên
(Nguồn: google.com)
Kỹ năng hợp tác - Collaboration
Kỹ năng hợp tác bao gồm tất cả những kỹ năng bạn cần phải sử dụng khi làm việc trong một tập thể như là kỹ năng phản hồi, học tập hay hỗ trợ lẫn nhau. Đây là kỹ năng cực kỳ cần thiết trong giai đoạn thích nghi với môi trường học tập và làm việc mới. Kỹ năng hợp tác giúp thúc đẩy quá trình làm việc được hiệu quả và có xu hướng đạt được kết quả tốt hơn. Để làm được điều này, hãy bắt đầu bằng việc tự đặt câu hỏi cho bản thân để biết mình cần làm gì và tại sao? Biết lắng nghe ý kiến từ những người cộng sự của mình và tôn trọng những góc nhìn khác biệt, từ đó tìm ra những công cụ giao tiếp trực tuyến phù hợp với đội nhóm. Theo tổng hợp thống kê về kỹ năng hợp tác tại nơi làm việc của Zippia, việc sử dụng các công cụ này góp phần làm tăng 49% khả năng cộng tác trong đội ngũ và 45% năng suất. Thế nên, khi còn ngồi trên ghế nhà trường, các bạn hãy cố gắng dành thời gian để rèn luyện nó bằng cách dành thời gian nghiên cứu và cải thiện quá trình làm việc nhóm với bạn bè của mình hay tham gia các chiến dịch, sự kiện của các Câu lạc bộ để có thể làm quen và học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước nhé.
Kỹ năng hợp tác sẽ giúp bạn dễ dàng thích nghi hơn khi bước vào một môi trường mới
Tư duy phản biện - Critical thinking
Tư duy phân tích hay tư duy phản biện là một quá trình tư duy gồm phân tích và đánh giá một thông tin theo nhiều góc nhìn khác nhau nhằm xác thực lại độ tin cậy của vấn đề. Tư duy phân tích bao gồm quá trình tiếp nhận, quan sát thông tin một cách thụ động và đi tìm những lập luận để phản bác lại kết quả của một quá trình tư duy khác nhằm xác định lại tính chính xác của thông tin. Do đó, kỹ năng này sẽ kích thích mọi người phân tích đánh giá vấn đề theo nhiều góc nhìn, xây dựng những hiểu biết về vấn đề một cách chủ động thông qua hoạt động tư duy và tự phân tích. Tư duy phân tích cũng giúp chúng ta hạn chế đưa ra những góc nhìn chủ quan và sự thụ động trong tiếp thu vấn đề, từ đó tạo ra nhiều hiệu quả trong công việc. Theo “A study of critical thinking in higher education students” của trường Đại học Caldas tại Colombia, ngày càng có nhiều trường học đầu tư cho việc giảng dạy cũng như tạo điều kiện để học sinh sinh viên được rèn luyện kỹ năng này. Các bạn sinh viên cũng có thể cải thiện kỹ năng này bằng cách luyện tập khả năng tự đặt thật nhiều câu hỏi đối với những vấn đề, hiện tượng xảy ra xung quanh cuộc sống của mình.
Tư duy phân tích hay tư duy phản biện là một quá trình tư duy gồm phân tích và đánh giá một thông tin theo nhiều góc nhìn khác nhau
Tư duy thiết kế - Design thinking
Tư duy thiết kế là quá trình tư duy tiếp cận và giải quyết vấn đề dựa trên tư duy hình ảnh để có được hình ảnh hóa giải pháp. Theo CASK - công ty chuyên thiết kế các giải pháp về Brand/Trade/Sales/Business dành cho doanh nghiệp - cho rằng tư duy thiết kế bao gồm 05 bước:
(1) Trực quan và Cảm nhận (Sense and Sensibility): Tìm hiểu thông tin bằng cách thu thập và phân tích dữ liệu thông qua hoạt động quan sát, trải nghiệm thực tế.
(2) Thấu hiểu (Empathy): Hiểu rõ ngọn ngành của vấn đề bằng cách trực tiếp tham gia vào các sự kiện cần nghiên cứu.
(3) Ý tưởng sáng tạo (Ideation): Tự tạo ra càng nhiều ý tưởng càng tốt bằng cách sử dụng các công cụ bổ trợ như: Brainstorm, Brainwrite, Worst Possible Idea, SCAMPER và tìm ra phương pháp tối ưu nhất dựa trên những giả thiết, điều kiện cho trước.
(4) Mô phỏng giải pháp (Prototype): Thiết kế mô hình giải pháp dựa trên những ý tưởng ở bước 03.
(05) Kiểm tra (Test): Kiểm tra mô hình ở bước 04 sẽ hoạt động như thế nào trong thực tế, nếu có vấn đề gì chưa tốt, quay trở lại bước 01 để tiếp tục cập nhật thông tin đầu vào.
Đây là một trong những phương pháp mà các công ty đa quốc gia như Nike, Apple, Google, và Meta (Facebook) thường hay sử dụng để phát triển kỹ năng cho những nhân viên của mình, do đó, ngay từ khi còn là sinh viên, chúng ta cần phải luyện tập kỹ năng này và áp dụng chúng vào những tình huống trong thực tiễn bằng cách tham gia vào các hoạt động trải nghiệm thực tế hay tham gia các chương trình, cuộc thi thúc đẩy tính sáng tạo.
05 bước cần thực hiện khi sử dụng kỹ năng Tư duy Thiết kế (Nguồn: tanca.io)
Trên đây là bộ tứ kỹ năng mà các bạn sinh viên thuộc thế hệ gen Z cần phải bỏ túi ngay trong năm 2023 này để có thể dễ dàng thích ứng với tốc độ phát triển chóng mặt của cuộc sống hiện tại, tạo lợi thế cho bản thân dễ dàng thăng tiến trên con đường sự nghiệp trong thị trường lao động ngày một khắc khe và cần nguồn nhân sự giỏi. Đối với sinh viên UEH, học tập không chỉ tồn tại ở trên ghế nhà trường mà còn là trong những hoạt động, sự kiện trong cuộc sống, chính vì thế, hãy luôn cố gắng tích lũy thật nhiều kiến thức chuyên môn cũng như những kỹ năng mềm thiết yếu giúp bạn ngày một hoàn thiện bản thân mình nhiều hơn nhé!
Tin, ảnh: Phòng Chăm sóc và hỗ trợ người học
Tài liệu tham khảo
Workplace from Meta. 7 bí quyết để hoạt động cộng tác đa ngành đạt hiệu quả cao hơn. Retrieved from:
Zim. Giới thiệu mô hình 4Cs – nhóm kỹ năng quan trọng cho người trẻ. Retrieved from:
Zippia (2023). 35+ COMPELLING WORKPLACE COLLABORATION STATISTICS [2023]: THE IMPORTANCE OF TEAMWORK. Retrieved from:
redalyc.org. (2020). A study of critical thinking in higher education students. Retrieved from:
CASK. Design Thinking - Tư duy giải pháp đột phá cho business. Retrieved from:
P.QLKH-HTQT & P.CTCT. (2015). Sinh viên học cách “thiết kế tư duy” từ những trải nghiệm. Retrieved from: //www.cixiu99.com/cuoc-song-ueh/tin-tuc/sinh-vien-hoc-cach-thiet-ke-tu-duy-tu-nhung-trai-nghiem-3172
ybox. (2019). Công Cụ Để Giải Quyết Vấn Đề Phức Tạp Tư Duy Thiết Kế (Design Thinking). Retrieved from:
Chia sẻ