Hội thảo khoa học: Định hướng khung chiến lược phát triển tỉnh An Giang tầm nhìn đến năm 2050

Kính gửi: Nhà nghiên cứu, Nhà hoạch định và tư vấn chính sách, Nhà Quản lý thực tiễn
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là nơi sinh sống của 17,3 triệu người với tổng diện tích đất tự nhiên lên tới 40.816,4 km², chiếm 12,32% diện tích đất liền của cả nước. ĐBSCL đã khẳng định được vị thế là trung tâm sản xuất, xuất khẩu lúa gạo, thủy hải sản và cây ăn quả hàng đầu của cả nước, góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp. Tuy nhiên, thu nhập bình quân đầu người của vùng vẫn thấp hơn mức trung bình cả nước.
Thực hiện Luật Quy hoạch, Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 và Quyết định số 1163/QĐ-TTg ngày 31/7/2020, khung định hướng phát triển vùng ĐBSCL được xây dựng để làm cơ sở lập Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời, nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh của 12/13 tỉnh, thành phố trong vùng ĐBSCL cũng đã được phê duyệt, trong đó có An Giang. 
An Giang là vùng đất đầu nguồn sông Mê Kông chảy vào Việt Nam, có đất đai màu mỡ, nguồn nước ngọt dồi dào, thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp. Dù vậy, hơn thập kỷ qua, kinh tế nông nghiệp của tỉnh đã tăng trưởng rất chậm và đang suy giảm, trong khi tỉnh chưa xây dựng được nền tảng công nghiệp vững chắc, du lịch chưa định hình hướng đi, chưa phát huy tiềm năng kinh tế biên mậu với Campuchia. Lực lượng doanh nghiệp tại tỉnh chưa lớn mạnh; nguồn thu ngân sách hạn hẹp, phụ thuộc vào các nguồn thu không bền vững. Các hoạt động kinh tế phi nông nghiệp, cơ hội việc làm mới kém sôi động. Tỷ lệ “xuất cư” của tỉnh thuộc nhóm cao nhất cả nước. Trong bối cảnh hiện nay, việc định hướng chiến lược phát triển cho tỉnh An Giang là hết sức cần thiết để thúc đẩy kinh tế tỉnh thực sự khởi sắc, hướng đến phát triển nhanh và bền vững.
Hiện tỉnh An Giang đang triển khai lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Luật Quy hoạch. Một trong những nhiệm vụ quan trọng của Quy hoạch tỉnh là định hướng khung chiến lược phát triển; xác định quan điểm, mục tiêu, tầm nhìn của tỉnh đến năm 2050; lựa chọn, sắp xếp, bố trí không gian các hoạt động kinh tế, xã hội, môi trường, kết cấu hạ tầng để phát huy tốt nhất các tiềm năng, cơ hội trong thời kỳ tới.
Viện Nghiên cứu chính sách Nông nghiệp (HAPRI) trực thuộc Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh (UEH) kính mời các nhà nghiên cứu, các chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế phát triển, quy hoạch địa phương, những nhà làm và tư vấn chính sách gửi bài viết đến Hội thảo.
Một số chủ đề gợi ý (ưu tiên nhưng không giới hạn):
  • Đề xuất các kịch bản tầm nhìn đến 2050 cho An Giang
  • Lựa chọn hình ảnh nào của An Giang trong mắt quốc tế
  • Xác định các điểm khác biệt hoặc lợi thế có thể phát triển bền vững của An Giang
  • Phân tích đặc điểm vị trí địa lý để đề xuất các kịch bản phát triển, so sánh với các vùng đất khác trên thế giới có vị trí và tài nguyên tương đồng
  • Phân tích hệ thống giao thông vùng và An Giang. Phân tích ảnh hưởng quy hoạch giao thông quốc gia và vùng đến An Giang.
  • Phân tích năng lực cạnh tranh chung, năng lực cạnh tranh cấp ngành, năng lực cạnh tranh của hàng hóa cụ thể (phân tích cả hiện tại và tương lai 30 năm tới)
  • Phân tích ưu nhược điểm môi trường kinh doanh, khả năng thu hút và phát triển kinh tế tư nhân
  • Phân tích phúc lợi hộ gia đình trong tiến trình phát triển (thu nhập, bất bình đẳng, nghèo, di dân, chăm sóc y tế, giáo dục)
Khung thời gian quan trọng:
  • Thời hạn nộp bài: 16/6/2021
  • Thời gian phản biện: 5 ngày sau hạn cuối
  • Thông báo kết quả: 22/6/2021
  • Ngày hội thảo: dự kiến 30/6/2021
  • Địa điểm hội thảo: Long Xuyên - An Giang
Hướng dẫn format:
  • Trang bìa với các nội dung:
    • Tiêu đề
    • Thông tin tác giả: tên, tổ chức, địa chỉ, email, số điện thoại,
    • Tóm tắt bài viết (tối đa 300 từ) và tối đa 6 từ khóa (nếu có).
  • Bài viết khoảng cách dòng đơn (single-spaced), cỡ chữ 12, phông chữ Times New Roman.
  • Độ dài bài viết nên trong khoảng 3000-5000 từ (không bao gồm tài liệu tham khảo và phụ lục).
  • Các bảng, hình, đồ thị phải được chèn càng gần vị trí được trích dẫn càng tốt. Các tiêu đề được căn giữa cho mỗi bảng, hình.
  • Tài liệu tham khảo kiểu APA
  • Các bài viết của các nhà quản lý thực tiễn cấp quốc gia, cấp vùng, cấp tỉnh/thành không nhất thiết phải theo format quy định trên.
Quyền lợi của tác giả:
  • Những bài viết được chấp nhận trình bày tại hội thảo sẽ được hỗ trợ 7 triệu/bài viết.
  • Toàn bộ chi phí tác giả tham dự trình bày tại hội thảo ở địa phương sẽ được tài trợ bởi UEH-HAPRI.
  • Những bài viết tốt sẽ được chọn đăng trong một số đặc biệt của Tạp chí Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh Châu Á (JABES, tiếng Việt).
Bài viết gửi về: [email protected]; tiêu đề: “Ten tac gia-Quy hoach An Giang”
Thông tin liên lạc:
  • Viện nghiên cứu chính sách Nông nghiệp và Sức khỏe
  • Tầng 10, 279 Nguyễn Tri Phương, Phường 5, Quận 10, TP.HCM
  • ĐT: 028 3853 0867
Thư ký liên lạc:
Ban tổ chức hội thảo rất mong nhận được những bài viết có đề xuất chiến lược thực tiễn và cụ thể.
GS. TS Nguyễn Trọng Hoài
  • Tổng Biên tập Tạp chí Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh Châu Á (JABES)
  • Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh
  • Email: [email protected]
TS. Võ Tất Thắng
  • Phó Trưởng Khoa, Khoa Kinh tế, ĐH Kinh tế TP.HCM
  • Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Chính sách Nông nghiệp và Sức khỏe (HAPRI)
  • Email: [email protected]