Special Doctoral Session – Phiên đặc biệt trước thềm Hội thảo Khoa học Quốc tế về Kinh tế và Kinh doanh Châu Á lần thứ 4 (ACBES 2022)
19 tháng 09 năm 2022
Với mục tiêu tạo cơ hội cho các Nghiên cứu sinh cùng trao đổi với Giáo sư hàng đầu châu Âu về phương pháp nghiên cứu và công bố quốc tế, ngày 29/08/2022 đã diễn ra Phiên đặc biệt dành cho Nghiên cứu sinh (Special Doctoral Session) – Phiên đặc biệt trước thềm Hội thảo Khoa học Quốc tế về Kinh tế và Kinh doanh Châu Á lần thứ 4 (ACBES 2022) với sự tham gia chủ trì của GS. Gabriel S. Lee (Đại học Regensburg, Đức) đã thu hút được 110 khách tham dự.
Hội thảo Khoa học Quốc tế ACBES 2022 được tổ chức xuyên suốt từ ngày 29/8/2022 đến ngày 31/8/2022, trong đó, sáng ngày 29/8/2022 diễn ra phiên đặc biệt dành cho Nghiên cứu sinh và các nhà nghiên cứu trẻ (Special Doctoral Session) dưới sự chủ trì của GS. Gabriel S. Lee. Phiên đặc biệt trước thềm Hội thảo với sự góp mặt của các học giả trẻ từ hơn 10 quốc gia như: Malaysia, Philippines, Ấn Độ, các quốc gia trong khu vực…; trong đó, bao gồm 50 khách tham dự trực tiếp và 60 khách tham gia trực tuyến. Dù đây là phiên đặc biệt dành cho Nghiên cứu sinh, nhưng khá đông khách Hội thảo ACBES đã đến tham dự từ sớm.
GS. Gabriel S. Lee tốt nghiệp chuyên ngành toán học và kinh tế tại Đại học Alberta thạc sĩ kinh tế tại Đại học Western Onatario. Sau đó, ông lấy được bằng tiến sĩ kinh tế tại Đại học Chicago với đề tài “Đầu tư nhà dưới thời gian xây dựng và điều chỉnh giá” (Housing Investment under Time to Build and Adjustment Costs). Trước khi chính thức về Đại học Regensburg, Đức, ông đảm nhiệm với nhiều vị trí khác nhau tại Đại học Pittsburgh, Đại học California, Davis, Đại học Vienna và Innsbruck, và Viện nghiên cứu nâng cao tại Vienna. GS. Gabriel S. Lee giữ chức giáo sư chủ nhiệm về kinh tế bất động sản từ tháng 4/2004 tại Đại học Regensburg. Nghiên cứu chính của GS. Gabriel S. Lee chú trọng vào kinh tế bất động sản trong nền kinh tế vĩ mô.
Trong phiên đặc biệt, GS. Gabriel S. Lee đưa ra gợi ý về một số điểm quan tâm để hoàn thành một bài thuyết trình, và một số gợi ý để nghiên cứu được xuất bản. Theo GS. Gabriel, để viết một bài báo nhằm để xuất bản, tác giả cần viết ngắn gọn súc tích hơn so với việc viết đầy đủ một bài luận dài, sử dụng 2-3 từ khóa dùng trong bài và sử dụng ngay trong tiêu đề bài báo, tránh các tiêu đề đặt quá chung chung và không truyền đạt rõ nghĩa.
GS. Gabriel S. Lee gợi ý một số lưu ý đối với phần tóm tắt, chú ý vào việc viết tóm tắt trong khoảng 100-150 từ, truyền đạt được đóng góp quan trọng và mới lạ, không đề cập đến trích dẫn tham khảo trong phần tóm tắt, viết kết quả không viết những cái còn đang nghiên cứu. Và đặc biệt, GS. Gabriel S. Lee đã đúc kết kinh nghiệm học thuật và đưa ra những điểm quan trọng trong việc viết bài báo theo chuẩn quốc tế.
GS. Gabriel S. Lee tại phiên Special Doctoral Session dành cho Nghiên cứu sinh và các nhà nghiên cứu trẻ
Sau phần thuyết trình của GS. Gabriel S. Lee, lần lượt là các phần trình bày của các nghiên cứu sinh với các chủ đề đa dạng như: Tài chính, ngân hàng, kinh tế phát triển…
Với phần trình bày của NCS Pham Thi Thuy Diem (Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM, và Trường Đại học Kinh tế TP.HCM, Việt Nam) về chủ đề “Tác động của phát triển tài chính đối với tăng trưởng kinh tế ở các nước đang phát triển bằng mô hình Bayesian” (Investigating the Impact of Financial Development on Economic Growth in Developing Countries using a Bayesian Model Averaging Approach). Bài báo nghiên cứu trên 64 quốc gia giai đoạn 2003–2017, thông qua kết quả nghiên cứu có thể thấy rằng đầu tư vào tỷ trọng sản phẩm quốc nội (GDP) và đầu tư trực tiếp nước ngoài có tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế, ngược lại, dân số gia tăng lại ảnh hưởng không tốt đến tăng trưởng kinh tế.
NCS Pham Thi Thuy Diem trình bày bài nghiên cứu của mình
Tiếp theo, NCS Nhan Huynh (Macquarie University, Úc) trình bày bài nghiên cứu về “Thử nghiệm thất nghiệp và tỷ suất sinh lợi chéo: Bằng chứng tại Úc” (Unemployment Beta and the Cross- Section of Stock Returns: Evidence from Australia). NCS Nhan Huynh phân tích sự tác động của các chỉ số thất nghiệp (bao gồm: Tỷ lệ thất nghiệp dự kiến và khoảng cách thất nghiệp thực tế) đối với tỷ suất sinh lợi chéo trên thị trường Úc. Nghiên cứu cho thấy cổ phiếu trong giai đoạn thử nghiệm thất nghiệp thấp nhất tạo ra lợi nhuận mức cao và lợi nhuận điều chỉnh rủi ro hơn so với giai đoạn thử nghiệm thất nghiệp cao. Khả năng dự đoán tỷ lệ thất nghiệp có ý nghĩa trong 36 tháng đối với mức sinh lời tổng hợp và 24 tháng đối với mức sinh lời chéo. Hơn nữa, chi phí bảo hiểm thất nghiệp tương quan thuận với bất ổn về kinh tế, tài chính và chính trị.
Phần trình bày của NCS Nhan Huynh
Đối với nghiên cứu của NCS Tran Thanh Truc (Trường Đại học Kinh tế TP.HCM, Việt Nam) về chủ đề “Việt Nam trong quá trình chuyển đổi: Sự liên quan giữa thể chế, khởi sự doanh nghiệp và tăng trưởng kinh tế” (Vietnam in Transition: The Nexus of Institutions, Entrepreneurship, and Economic Growth). Bài báo sử dụng phương pháp GMM 3SLS cho dữ liệu bảng tại Việt Nam. Kết quả nghiên cứu cho thấy có mối liên quan thuận giữa thể chế và khởi sự doanh nghiệp, một số chính sách như: Hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ lao động có tác động đáng kể đến việc thành lập doanh nghiệp. Hơn nữa, bài nghiên cứu cho kết quả nhận định thể chế cũng có tác động gián tiếp đến tăng trưởng kinh tế thông qua doanh nghiệp.
Chủ đề “Chính sách tiền tệ và rủi ro hệ thống của các NHTM Việt Nam” (Monetary Policy and System Risk of Vietnamese Commercial Banks) được NCS Nguyen Thi Thanh Hoai (Trường Đại học Kinh tế TP.HCM, Việt Nam) nghiên cứu trong giai đoạn 2013–2021, dựa trên 18 NHTM niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Bài nghiên cứu sử dụng mô hình VAR với các biến: Chính sách tiền tệ, rủi ro hệ thống, CPI và khoảng cách sản lượng. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng rủi ro hệ thống tăng lên trong giai đoạn COVID-19. Kết quả không tìm thấy bằng chứng có ý nghĩa thống kê về tác động của chính sách tiền tệ đối với rủi ro hệ thống của các NHTM. Tuy nhiên, nghiên cứu cũng tìm thấy bằng chứng có ý nghĩa thống kê về tác động của rủi ro hệ thống của các NHTM đến CPI và chênh lệch sản lượng trong giai đoạn đại dịch. Vì vậy, để đối phó với đại dịch COVID-19, chính phủ cần thực hiện chính sách tài khóa, cần đảm bảo ổn định hệ thống ngân hàng, ổn định nền kinh tế trong thời kỳ dịch bệnh.
NCS Nguyen Thi Thanh Hoai trình bày bài nghiên cứu
Tại phiên đặc biệt, các nghiên cứu sinh không chỉ được trình bày đề tài nghiên cứu của chính họ, mà còn thêm cơ hội nhận thêm nhiều ý kiến đóng góp hữu ích từ GS. Gabriel S. Lee. Bên cạnh đó, các câu hỏi thảo luận và trao đổi của các nhà nghiên cứu trẻ tham dự cũng có thể đóng góp thêm nhiều ý tưởng sáng tạo để phát triển bài nghiên cứu.
Một số hình ảnh khác tại Phiên đặc biệt Special Doctoral Session:
Các nhà khoa học thảo luận sôi nổi với GS. Gabriel S. Lee trong phiên Special Doctoral Session
Chụp ảnh kỷ niệm kết thúc phiên Special Doctoral Session
Thông tin thêm:
Tất cả các thông tin mới JABES và các sự kiện nổi bật như Hội thảo khoa học quốc tế ACBES, chuỗi Tọa đàm JST và nhiều sự kiện khác sẽ được cập nhật liên tục trên các kênh thông tin chính thức của JABES như sau:
- JABES Facebook:
- JABES Website: //www.jabes.cixiu99.com/
- JABES on Emerald Group Publishing:
- ACBES Website: //acbes.cixiu99.com/
- JABES Youtube:
Tin, ảnh: JABES
Chia sẻ