Sinh hoạt khoa học định kỳ CELG: “The role of risk and Negotiation in Explaining the Gender Wage Gap”
15 tháng 08 năm 2022
Ngày 11/8/2022, Trường Kinh tế, Luật và Quản lý nhà nước UEH (CELG) tiếp tục tổ chức CELG Seminar lần 5 tại hội trường B1.1001 với chủ đề “The role of risk and Negotiation in Explaining the Gender Wage Gap”. Nghiên cứu này phân tích cách mà những khác biệt giữa nam và nữ trong sở thích hành vi tác động lên khoảng cách tiền lương giữa hai giới. Chủ đề được trình bày bởi TS. Trần Mỹ Minh Châu - Viện Kinh tế môi trường Đông Nam Á.
- Sinh hoạt học thuật định kỳ CELG Seminar: “A risk-risk trade-off assessment of climate-induced mortality risk changes”
- SINH HOẠT HỌC THUẬT ĐỊNH KỲ CELGS: Nghiên cứu việc dùng những hình mẫu lý tưởng để truyền cảm hứng cho nhóm đối tượng chịu nhiều thiệt thòi trong xã hội
- Trường Kinh tế, Luật Và Quản lý nhà nước UEH tổ chức seminar “Khoảng cách giới và thị trường lao động: Nobel kinh tế 2023 và tiềm năng nghiên cứu ở Việt Nam”
Chương trình có sự tham dự của GS. John Hey - Đại học York, Anh; cùng các Thầy/Cô Khoa Kinh tế: TS. Hồ Quốc Thông, TS. Hồ Hoàng Anh, TS. Nguyễn Quang, TS. Nguyễn Thị Hồng Thu, TS. Hoàng Văn Việt; và Thầy/Cô là giảng viên của CELG, nghiên cứu sinh hiện đang theo học các chương trình tiến sĩ tại trường.
TS. Trần Mỹ Minh Châu đang trình bày chủ đề nghiên cứu tại hội thảo
Dữ liệu khảo sát truyền thống đã từ lâu được sử dụng để phân tích khác biệt tiền lương giữa nam và nữ. Dạng dữ liệu này đã giúp giải thích xu hướng của khoảng cách tiền lương qua thời gian và cho phép xác định ngành, nghề nghiệp và phân khúc tiền lương. Phân tích sử dụng dữ liệu thực tế cũng cho thấy, khả năng giải thích của những khác biệt nam nữ trong vốn con người đối với khoảng cách tiền lương. Tuy nhiên, ngay cả khi đã kiểm soát cho những đặc tính có thể quan sát này (hay khi phụ nữ đã san bằng khác biệt với nam giới trong những đặc tính ấy), phân tích tiền lương vẫn cho chúng ta thấy một phần khác biệt lớn chưa được giải thích, thường được hiểu như một dạng “kỳ thị” khi trả lương. Cách diễn giải phần khác biệt chưa được giải thích này đóng vai trò quan trọng trong việc đưa ra các kiến nghị chính sách về khoảng cách tiền lương vì hàm ý rằng “chỉ các chính sách ngăn chặn việc phân biệt giới khi trả lương mới giúp phụ nữ thu hẹp khoảng cách tiền lương với nam giới”.
Những tiến bộ gần đây trong nghiên cứu hành vi và phương pháp thí nghiệm đã giúp đưa ra một cách giải thích mới về sự khác biệt tiền lương bên cạnh hai yếu tố ở trên. Các phân tích trong lĩnh vực này tranh luận rằng, ngoài những khác biệt trong vốn con người và việc bị phân biệt khi trả lương, sự khác biệt trong các yếu tố không thể quan sát như sở thích rủi ro và xu hướng thương lượng có thể giải thích cho khoảng cách tiền lương. Nhóm tác giả tiến hành một thí nghiệm tại thực địa (lab-in-the-field) và thực hiện một khảo sát bổ sung để thu thập dữ liệu về tiền lương và những yếu tố có thể quan sát được có tác động lên tiền lương. Trong mẫu nghiên cứu, phụ nữ có tiền lương thấp hơn so với nam. Tuy vậy, khác biệt về tiền lương này được giải thích rất ít bởi các yếu tố có thể quan sát được (vì thế nó được gọi là khác biệt chưa được giải thích). Kết quả thí nghiệm hành vi cho thấy, những phụ nữ thường e ngại rủi ro hơn và ít có xu hướng tham gia thương lượng hơn. Cùng nhau, hai yếu tố này giải thích được 15,5% độ lớn của phần khác biệt chưa được giải thích trong tiền lương của hai giới.
Bỏ qua những đặc tính không thể quan sát này sẽ khiến ước lượng của khoảng cách tiền lương cũng như mức độ kỳ thị trở nên quá cao. Hơn nữa, nghiên cứu cũng chỉ ra việc sử dụng mức khác biệt tiền lương chưa được giải thích như một thước đo sự phân biệt nam nữ khi trả lương có thể dẫn đến ước lượng không chính xác cho tác động của yếu tố này vì cách này không tính đến các yếu tố không thể quan sát (ví dụ như sở thích). Nghiên cứu này đề xuất kết hợp số liệu khảo sát truyền thống và dữ liệu từ thí nghiệm hành vi để phân tích khác biệt tiền lương giữa nam và nữ nhằm đạt được kết quả hoàn thiện hơn về các nguồn khác biệt.
Với tính chi tiết của một nghiên cứu sử dụng phương pháp thí nghiệm hành vi, tọa đàm đã thu hút được sự thảo luận sôi nổi. Người tham dự đã đặt ra nhiều câu hỏi để diễn giả làm rõ sự chặt chẽ trong thiết kế nghiên cứu, đặc biệt là GS. John Hey - Chuyên gia hàng đầu về phương pháp thí nghiệm đang có chuyến công tác và trao đổi nghiên cứu tại UEH. Những câu hỏi khác gợi ý thêm các yếu tố cần được điểm soát trong nghiên cứu như: yếu tố vùng miền, hay khác biệt trong cách bé trai và bé gái được dạy dỗ trong gia đình. Những câu hỏi này đặt ra nhiều hướng để phát triển nghiên cứu trong tương lai. Những thảo luận sôi nổi này đã khép lại một kỳ thành công nữa của chuỗi hội thảo CELG Seminar.
Chủ đề thu hút thảo luận sôi nổi
Tin, ảnh: Khoa Kinh tế, Phòng Tổng hợp CELG
Chia sẻ