Nền tảng số - Cách thức để các doanh nghiệp Việt Nam thích ứng và phục hồi sau đại dịch Covid-19

04 tháng 12 năm 2020

Đó là quan điểm được PGS.TS.Nguyễn Khắc Quốc Bảo - Viện trưởng Viện Công nghệ Tài chính UEH và Ông Đào Trung Kiên - Giám đốc chiến lược công ty PNJ đồng tình tại Hội nghị UEH in4Biz 2020 nằm trong khuôn khổ Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo lớn nhất Đông Nam Bộ (TECHFEST Đông Nam Bộ) vừa qua.

Với chủ đề “Fostering resilience for startup ecosystem in the new normal” (tạm dịch: Tăng cường khả năng phục hồi cho hệ sinh thái khởi nghiệp trong điều kiện bình thường mới), TECHFEST Đông Nam bộ 2020 đã tạo ra các diễn đàn cùng trao đổi về việc làm thế nào để xây dựng năng lực tự phục hồi của doanh nghiệp Việt Nam trong trạng thái bình thường mới và ứng dụng khoa học công nghệ mới để thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp và phục hồi sau khủng hoảng cho các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt các doanh nghiệp vừa trải qua đại dịch Covid-19,

Là chủ đề được nhiều doanh nghiệp quan tâm tại hội nghị, PGS.TS. Nguyễn Khắc Quốc Bảo - Viện trưởng Viện Công nghệ Tài chính UEH đã trình bày một phần kết quả nghiên cứu từ 500 doanh nghiệp về Năng lực năng lực phục hồi của doanh nghiệp sau đại dịch Covid-19.

Cuộc đại phong tỏa và các xu hướng toàn cầu do Covid-19

Sau đại suy thoái (1930) và đại khủng hoảng (2008-2009), thế giới trải qua cuộc đại phong tỏa lớn do dịch bệnh Covid-19 với hơn 57 triệu ca nhiễm và hơn 1.3 triệu người tử vong trên toàn cầu và gây ra các cú sốc về cả hai góc độ cung và cầu. Từ đó, khả năng đổ vỡ hệ thống gia tăng, suy thoái lan rộng và các nền kinh tế bị cô lập. Theo đó, xu hướng toàn cầu mới đang dần được hình thành với 05 đặc trưng sau. Thứ nhất, tình trạng nền kinh tế bị “ngập” trong tiền và nguy cơ khủng hoảng nợ công do chính phủ các nước bơm tiền ra quá nhiều phản ánh thông qua lạm phát, mất thanh khoản của nền kinh tế. Thứ hai, sự đứt gãy, tái cấu trúc trong các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị và sự quay đầu của các dòng vốn FDI. Thứ ba, xu hướng kích cầu nội địa và phá vỡ toàn cầu hóa. Thứ tư, xu hướng thiết lập một trật tự thế giới mới hậu Covid-19. Thứ năm, khủng hoảng lương thực và nạn đói trên thế giới.

PGS.TS. Nguyễn Khắc Quốc Bảo - Viện trưởng Viện Công nghệ Tài chính UEH trình bày chủ đề Năng lực phục hồi của doanh nghiệp sau đại dịch Covid-19.

Các tác động của Covid-19 đến kinh tế vĩ mô của Việt Nam

Xu hướng toàn cầu kể trên tác động sâu rộng đến các nền kinh tế và Việt Nam không phải là ngoại lệ. Covid-19 gây ra một số tác động tích cực lẫn tiêu cực đến nền kinh tế Việt Nam. Mặc dù, trong 10 tháng đầu năm 2020, cán cân thương mại của Việt Nam đạt mức xuất siêu 18,72 tỷ USD (GSO, 2020) và tổng FDI đạt 23,5 tỷ USD, mặc dù giảm 19,4% so với cùng kỳ nhưng đây vẫn là tín hiệu tốt trong bối cảnh hiện nay, đây là một dấu hiệu khả quan, tuy nhiên thống kê 9 tháng đầu năm 2020 của GSO cho thấy Việt Nam ghi nhận tốc độ tăng trưởng 2.12% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, tính đến 22/09/2020, ghi nhận mức tăng tăng trưởng tín dụng là 5,12% và 7,74% cho tổng phương tiện thanh toán. Hai mức này vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm 2019, lần lượt vào thời điểm đó là 8,51% và 8,41%.

Covid-19 tác động đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam

Theo kết quả khảo sát doanh nghiệp (PBS), 50% tỷ lệ doanh nghiệp khảo sát phải đóng cửa trong tháng 04/2020. Có 80% doanh nghiệp hoạt động trở lại vào tháng 06/2020 và 81% doanh nghiệp khảo sát bị giảm doanh thu vào tháng 06/2020; theo đó, doanh thu giảm trên 40% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, 15% doanh nghiệp khảo sát đã sa thải người lao động và các doanh nghiệp còn lại lựa chọn giải pháp giảm giờ làm, tiền lương, cho nghỉ phép. Ngoài ra, trong thời gian phong tỏa (tháng 04/2020) khoảng 50% các doanh nghiệp khảo sát hoạt động một phần và khoảng 35% các doanh nghiệp tạm dừng hoạt động theo quy định. Một điểm sáng sau thời kỳ phong tỏa, khoảng 81% doanh nghiệp đã hoạt động trở lại bình thường.

Phản ứng của doanh nghiệp để thích ứng với Covid-19 - Nền tảng trọng tâm là chuyển đổi số

Để ứng phó với các tác động tiêu cực trên của Covid-19, cũng theo khảo sát, 23% các doanh nghiệp Việt Nam đã lựa chọn việc giảm giờ làm, 20% doanh nghiệp chọn việc giảm lương, 15% doanh nghiệp chọn sa thải lao động, 26% doanh nghiệp chọn việc cho nhân viên nghỉ phép. Và chỉ 8% doanh nghiệp lựa chọn tuyển dụng thêm lao động mới. Đặc biệt, khoảng 47% các doanh nghiệp tăng cường sử dụng các nền tảng số và 7% các doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư vào các giải pháp số. Thêm nữa, phần lớn các doanh nghiệp sử dụng nền tảng số cho việc gia tăng doanh thu, linh hoạt các phương thức thanh toán, marketing, quản trị và dịch vụ giao hàng.

Vai trò của chính phủ trong việc hoạch định chính sách kết hợp với gia tăng nội lực từ chính các doanh nghiệp là giải pháp quan trọng cho việc phục hồi sau Covid-19

Để kích cầu và gia tăng sức đề kháng cho nền kinh tế, chính phủ có thể tái cấu trúc và đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Nâng cao năng lực sản xuất trong nước kết hợp với tháo gỡ khó khăn cho các DN nước ngoài, cần có chính sách phù hợp để thu hút dòng vốn FDI đang dịch chuyển, hỗ trợ áp dụng thương mại điện tử và các dịch vụ trực tuyến, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát triển nguồn nhân lực nhằm đáp ứng yêu cầu của hội nhập quốc tế và thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững trên cơ sở ổn định nền kinh tế vĩ mô.

Song hành với những quyết sách từ chính phủ, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải kiểm soát tốt dòng tiền và vốn luân chuyển để duy trì tính thanh khoản, tinh gọn quy trình, tối ưu hóa chi phí, cắt giảm các khoản đầu tư kém hiệu quả, phát huy tiềm năng của nhân viên. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần tận dụng các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ như giãn, hoãn thuế, trợ cấp, hỗ trợ tài chính, cho vay ưu đãi, tái cấu trúc các khoản vay và đặc biệt nên cân nhắc áp dụng nền tảng số và các mô hình mới trong hoạt động thương mại, sản xuất, kinh doanh và quản lý.

Điểm sáng của doanh nghiệp lớn bước đầu ứng phó thành công với đại dịch Covid-19 dựa trên nền tảng số

Đồng tình với quan điểm của PGS.TS. Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Ông Đào Trung Kiên - Giám đốc Khối chiến lược Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) (Cựu sinh viên UEH) cho rằng: Nền kinh tế nói chung và doanh nghiệp Việt Nam nói riêng phải gánh chịu cú sốc nặng nề từ Covid-19. Tuy nhiên, trong “nguy” có “cơ”, Covid là một “cơ” cực lớn đối với PNJ. PNJ chuyển đối số từ 03 năm trước nhưng “điểm bùng nổ” Covid-19 tạo sức ép biến chuyển đổi số từ “nice to have” (nên áp dụng) sang “must have” (phải áp dụng) để sống còn.

Ông Đào Trung Kiên - Giám đốc chiến lược công ty PNJ chia sẻ về cách ứng phó của PNJ trong đại dịch Covid-19

Từ kinh nghiệm thành công của PNJ cho thấy lãnh đạo đã rất kiên tâm, quyết đoán trong ra quyết định; ngay lập tức, xây dựng mô hình kinh doanh hoàn toàn mới, sẵn sàng đập bỏ cái cũ, cái công ty từng tâm huyết, từng tự hào, huy động toàn bộ nguồn lực “Toàn dân kháng chiến”. Cụ thể, PNJ đã triển khai livestream bán hàng - điều mà công ty chưa từng làm trước đây, với cách tiếp cận phù hợp với định vị thương hiệu và đa dạng đối tượng khách hàng mục tiêu.

Ông Kiên cho rằng: Là một trong những doanh nghiệp lớn của Việt Nam, sự hỗ trợ của chính phủ khá hạn chế trong đợt dịch Covid-19, công ty luôn trong tâm thế sẵn sàng thay đổi để thích nghi, chủ động vươn lên từ chính nội lực chính mình.

Trước câu hỏi của người tham dự về “Chuyển đối số” hiện nay tại PNJ, Ông Kiên cho rằng: Nhiều người hiện nay quan tâm “số” hơn là vấn đề “chuyển đổi”. Chúng ta đang nhìn công cụ hơn là tư duy và ý thức. Nhiều doanh nghiệp đầu tư công cụ số rất hoành tráng nhưng phần chuyển đổi về tư duy còn thiếu. Yếu tố quan trọng nhất là tư duy phải thay đổi mới tận dụng hết những tính năng “số”.

Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đông Nam Bộ 2020 (TECHFEST Đông Nam Bộ 2020) do Trường Đại học Kinh tế TP.Hồ Chí Minh (UEH) đăng cai tổ chức là sự kiện lớn nhất vùng Đông Nam Bộ nằm trong hoạt động Tuần lễ Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp TP.Hồ Chí Minh (WHISE) - Ngày hội khởi nghiệp Vùng 2020 - Ngày hội Trí tuệ nhân tạo Việt Nam (AI4VN). Ngày hội được tổ chức dưới hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, bao gồm 01 Phiên tổng thể, 05 Tọa đàm, Hội thảo chuyên đề, diễn đàn trao đổi thảo luận về: Đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực mũi nhọn của kinh tế vùng Đông Nam Bộ, ứng dụng của khoa học và công nghệ mới vào quản trị điều hành doanh nghiệp Việt Nam.

Tin, ảnh: Chuyên gia UEH - Doanh nghiệp, Phòng Marketing - Truyền thông.

 

 

Chia sẻ