Một sinh viên khiếm thị tốt nghiệp Trường ĐH Kinh tế TP.Hồ Chí Minh

28 tháng 07 năm 2020

TTO - Sáng 23-7, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM tổ chức lễ tốt nghiệp cho hơn 400 sinh viên khoa quản trị. Người được xướng tên đầu tiên lên nhận bằng là Mai Văn Hiền (sinh năm 1994, quê Quảng Nam), một sinh viên khiếm thị.

Mai Văn Hiền là sinh viên nhận bằng tốt nghiệp đầu tiên trong buổi lễ sáng 23-7 của Trường ĐH Kinh tế TP. Hồ Chí Minh

Hiền không nhìn thấy hoàn toàn. Tuy nhiên năm 2016, sau khi thi THPT quốc gia, Hiền làm đơn xét tuyển vào Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, diện ưu tiên cho thí sinh khuyết tật và được trường chấp thuận.

Ghi chép bằng chữ nổi

Trước đó, Hiền là học sinh khiếm thị của Trường phổ thông chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu (Đà Nẵng) và học hòa nhập tại Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền (Đà Nẵng).

Trao đổi với Tuổi Trẻ, Hiền cho biết bốn năm đại học bạn được nhiều thầy cô, bạn bè trong nhà trường hỗ trợ học tập. Trường ĐH Kinh tế TP.HCM cũng tạo điều kiện cho Hiền về học phí và miễn phí ký túc xá.

Mỗi khi lên lớp, Hiền đều ghi âm thầy cô giảng bài để về nhà nghe lại, tiện cho việc học bài. Hiền vẫn ghi chép bằng chữ nổi.

Chỗ nào cần đọc tài liệu bằng sách giấy, Hiền nhờ bạn đọc và ghi âm lại. Những tài liệu điện tử, Hiền có thể tự tìm hiểu bằng các phần mềm hỗ trợ người khiếm thị sử dụng máy tính.

Về thi cử, nhà trường luôn linh động hình thức phù hợp với Hiền nhất. Trong đó ưu tiên các hình thức kiểm tra vấn đáp.

Mai Văn Hiền (giữa) cùng ThS Nguyễn Ngọc Thái (trái) - Phó Viện trưởng Viện Đào tạo sau đại học Trường ĐH Kinh tế TP.HCM) - là người theo dõi và hỗ trợ Hiền từ những ngày em vào trường

Tham gia nhiều hoạt động của trường

Hiền cho biết thêm trong bốn năm đại học, bạn vẫn dành thời gian cho các hoạt động tập thể, đi làm thêm. "Mình tham gia nhiều chương trình cùng các bạn lắm. Mình tham gia văn nghệ nè, không đàn thì hát, không hát một mình thì đứng hát tập thể. Quan trọng là tinh thần của mình", Hiền nói.

Phát biểu tại buổi lễ tốt nghiệp, TS Trần Thế Hoàng - chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH Kinh tế TP.HCM - dành lời khen riêng cho sinh viên Mai Văn Hiền. Theo ông Hoàng, Hiền ngoài thành tích học tập tốt cũng đạt điểm rèn luyện ấn tượng, không thua kém gì những bạn sáng mắt.

Ông cho rằng, thành công tới thời điểm hiện tại của Hiền ngoài là minh chứng cho sự nỗ lực của cá nhân em, còn thể hiện tinh thần đoàn kết và giúp đỡ nhau giữa các sinh viên, thầy cô ngành quản trị.

Theo thầy Thái, Hiền ngoài nghị lực học tập còn là người khéo léo, được nhiều thầy cô yêu quý. Các thầy cô thường ưu tiên hỗ trợ Hiền các tài liệu học tập và tạo điều kiện thuận lợi về hình thức thi cử, kiểm tra

Mai Văn Hiền ngày đầu nhập học tại Trường ĐH Kinh tế TP.HCM năm 2016

Mong có cái nhìn tích cực hơn về người khiếm thị

Chia sẻ về thời gian sau tốt nghiệp, Hiền cho biết mình sẽ tìm các việc làm phù hợp với khả năng, bắt đầu từ những thứ đơn giản.

Hiền cũng mong các công ty có cái nhìn tích cực hơn về người khiếm thị. Bởi với những trang thiết bị hiện đại, người khiếm thị dần rút ngắn khoảng cách với những đồng nghiệp sáng mắt. Họ có thể dùng máy tính, làm việc trên Internet, tham gia mạng xã hội, sử dụng điện thoại…và làm nhiều công việc như người thường.

Tân cử nhân Mai Văn Hiền chia sẻ: “Mình hy vọng các công ty nên mở rộng cơ hội hơn cho người khiếm thị, cho họ có cơ hội được thử, được làm việc và được trả lương theo năng lực của mình.” 

 

"Quyết định dũng cảm"

Theo bạn thân của Hiền là Trần Văn Hoàng - sinh viên năm 3 Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cũng là người khiếm thị hoàn toàn - việc Hiền dám đăng ký theo học và tốt nghiệp một trường kinh tế là rất dũng cảm. Hoàng cho rằng các bạn khiếm thị nếu dám học đại học thường chỉ chọn các khối ngành sư phạm, xã hội, rất hiếm khi đi theo khối ngành kinh tế hay tự nhiên.

"Hiền học tại Trường ĐH Kinh tế TP.HCM cũng là để thỏa ước mơ kinh doanh sau này của mình", Hoàng chia sẻ.

Chia sẻ