DECIDOPHOBIA - Khi sợ hãi đưa ra quyết định là một loại bệnh
28 tháng 09 năm 2022
Trong cuộc sống thường nhật, bạn có thường cảm thấy khó khăn hay bối rối khi phải luôn đối mặt với “en nờ” câu hỏi cần đưa ra sự quyết định không? Từ những việc cỏn con như chọn món ăn, trang phục đến những thứ vô cùng quan trọng như chọn trường, chọn ngành, chọn nghề, thậm chí, một vấn đề nhỏ như chọn món khi đi ăn, bạn phải tốn khoảng thời gian rất lâu để cân nhắc. Nghe qua tưởng chừng đây chỉ là những chuyện nhỏ nhặt thường ngày nhưng sâu xa hơn, đây là biểu hiện của hội chứng mang tên Decidophobia.
Hàng ngàn sự quyết định có thể ám ảnh cuộc sống ta hằng ngày (Nguồn: Pinterest)
Giải mã DECIDOPHOBIA
DECIDOPHOBIA là hội chứng sợ hãi tột độ khi phải đưa ra sự quyết định. Thuật ngữ này lần đầu được nhắc đến trong quyển “Without guilt and justice” (1973) viết bởi triết gia Walter Kaufmann từ Đại học Princeton. Những người mắc phải hội chứng này thường trải nghiệm cảm giác sợ hãi, hoang mang ở một mức độ rất cao khi bị mắc kẹt trong những suy nghĩ khi phải đưa quyết định.
Thực tế, những âu lo này có thể mạnh mẽ đến mức họ cảm thấy như đang phải chịu đựng sự tra tấn từ những cơn hoảng loạn, bùng nổ liên tục lẩn quẩn trong tâm trí. Mặc dù sự khủng hoảng lo lắng không phải lúc nào cũng xảy ra với người mắc hội chứng Decidophobia, tỉ lệ xảy ra của nó vẫn ở mức khá cao.
Từ đó, những người này có xu hướng tránh né những thứ có thể gây ra nỗi ám ảnh trên bằng cách đảm bảo họ không phải đưa ra quyết định trực tiếp. Họ bắt đầu từ chối để bản thân không rơi vào trường hợp phải đưa ra sự lựa chọn. Có thể thấy, nỗi lo lắng thái quá và suy nghĩ sai lệch này là nguyên nhân chính dẫn đến khủng hoảng tinh thần tiêu cực.
Một con người mà luôn phải đối mặt với sự vô định và mờ nhạt trong tâm trí sẽ dễ khiến họ luôn trong trạng thái thiếu sáng suốt và càng tăng sự phụ thuộc vào người khác, tất cả dẫn đến mất khả năng định hướng và kiểm soát tổng thể cuộc sống. Những ám ảnh về sự quyết định chưa biết đúng hay sai luôn quanh quẩn quanh bạn khiến bạn luôn phải chịu tình trạng bứt rứt về cảm xúc, dễ dàng dẫn đến các chứng bệnh liên quan đến tâm lý khác như trầm cảm, và rối loạn âu lo.
Nỗi ám ảnh mang tên Decidophobia (Nguồn: Ohay.tv)
Tùy vào mức độ nghiêm trọng mà sự hoảng loạn ảnh hưởng, người mắc chứng Decidophobia sẽ có những biểu hiện thay đổi khác nhau. Bên cạnh đó, những biểu hiện đó cũng sẽ linh hoạt với từng đối tượng và bị nhiều yếu tố khác tác động. Dưới đây là những triệu chứng phổ biến thường thấy của Decidophobia (Psych Times, 2021):
- Lo lắng, hoang mang khi nghĩ đến việc phải đưa ra quyết định
- Thường tránh né việc đưa ra quyết định
- Không có khả năng kiểm soát, đối mặt với nỗi lo lắng “quyết định”
- Nhịp tim tăng cao, thở mạnh liên tục, huyết áp tăng
- Các cơ có hiện tượng căng cứng, run rẩy và tiết nhiều mồ hôi
- Ám ảnh bởi những cơn hoảng loạn tấn công liên tục.
Bên cạnh đó, ở lứa tuổi vị thành niên và sinh viên, chúng ta càng dễ bắt gặp chứng Decidophobia (Psych Times, 2021). Bởi lẽ, các bạn trẻ ở nhóm tuổi này thường phải đối mặt với nhiều sự quyết định có tính quan trọng và ảnh hưởng cao. Hơn thế xã hội càng hiện đại, các bạn càng phải chịu thêm nhiều áp lực như áp lực đồng trang lứa, áp lực phải thành công,... Một quyết định sai lầm có thể phá hủy rất nhiều thứ mà các bạn bỏ công xây dựng. Vì thế, sinh viên và các bạn vị thành niên dễ dàng sợ hãi việc trực tiếp đưa ra quyết định và chuyển quyền quyết định cho người khác. Và cũng hiếm có bạn nhận ra bản thân đang mắc chứng bệnh Decidophobia (Kaufmann, 1973).
Nỗi sợ hãi mang tên “sự quyết định” dễ dàng khiến ta đi vào hẻm cụt và không tìm ra lối thoát (Nguồn: Verywellmind)
Vậy nguyên nhân gây ra chứng DECIDOPHOBIA là gì?
Với những biểu hiện nêu trên, bạn có thể thấy Decidophobia không hề đơn giản mà ngược lại càng rất đáng sợ. Đặc biệt là đối với lứa tuổi sinh viên khi chưa có định hướng rõ ràng hay thiếu đi sự kiên định và cái tôi riêng, Decidophobia chính là kẻ âm thầm biến bạn thành những chiếc "thuyền giấy".
Nếu ví bạn như chiếc “thuyền giấy” vì dưới những tác động của Decidophobia, bạn dễ dàng bị ảnh hưởng bởi sự lựa chọn của người khác, không có chính kiến, “gió chiều nào theo chiều đó” khiến bạn dễ dàng bị sóng gió xô đẩy rồi nhấn chìm. Người mắc hội chứng thường không chủ động được những việc diễn ra trong cuộc đời mình, không biết được bản thân đang thiếu gì hay cần gì. Từ đó, bạn dễ dàng để vụt mất nhiều cơ hội chỉ đến một lần.
Decidophobia khiến ta trở thành chiếc thuyền giấy dễ dàng bị nhấn chìm (Nguồn: Pinterest)
Thực tế, chưa có nghiên cứu nào khẳng định nguyên nhân cụ thể gây ra hội chứng Decidophobia. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng gen và môi trường sống có vai trò to lớn trong việc hình thành mầm móng dẫn đến hội chứng. Điển hình là những bạn có gia đình có tiền sử bệnh liên quan đến tinh thần, đặc biệt là rối loạn âu lo và Ngoài ra, những cú sốc gây nên tổn thương cảm xúc ảnh hưởng đến nhiều nỗi sợ liên quan tới Decidophobia cũng có thể dẫn đến mắc phải hội chứng này. (Psych Times, 2021)
Chìa khóa giúp bạn vượt qua nỗi sợ đưa ra sự quyết định
Hội đồng Forbes đã nêu một số mẹo giúp bạn có thể vượt qua được nỗi sợ này, đồng thời, những bí quyết này cũng chính là chìa khóa giúp ta đưa ra quyết định hiệu quả hơn giúp phát triển bản thân trong công việc và cuộc sống. (Forbes Coaches Council, 2017):
- Phá vỡ chuỗi ràng buộc: Bạn phải thực hiện hành động mạnh mẽ, kiên định, bất chấp mọi nỗi sợ hãi mà bạn có thể cảm nhận xung quanh. Một khi phá vỡ được thành trì của nó, bạn không chỉ tự do đưa ra các quyết định quan trọng mà còn thoải mái sống cuộc sống theo ý mình.
- Giảm bớt số lượng quyết định: Nếu việc đưa ra quyết định là một điểm yếu, điều quan trọng là phải thừa nhận điều đó và giảm bớt việc ra quyết định trong nhiều lĩnh vực nhất có thể, ví dụ như ăn các bữa ăn theo set có sẵn, mặc trang phục tiêu chuẩn, phát triển thói quen buổi sáng, làm việc và buổi tối.
- Nhìn mọi thứ từ nhiều góc độ: Không có gì thay đổi cho đến khi chúng ta thay đổi nó. Tuy nhiên, khi tình trạng hoang mang về "điều gì sẽ xảy ra" khi chọn quyết định nào đó kìm hãm bạn, bạn cần bước ra khỏi vòng an toàn bình thường của bản thân để có một góc nhìn khác đa diện, nhiều chiều hơn. Hãy tự hỏi bản thân “Chuyện gì sẽ có thể xảy ra?” và biến nó thành thứ dẫn lối cho bạn. Từng bước nhỏ có thể giúp bạn xây dựng niềm tin.
- Bắt đầu với những điều bạn ưu tiên nhất: Bắt đầu với việc nhận ra các ưu tiên của bạn, tốt nhất không nên nhiều hơn ba. Tạo mục tiêu và kế hoạch để phát triển các ưu tiên của bạn về phía trước. Nếu quyết định không phù hợp với nhóm ưu tiên của bạn và kế hoạch bạn đã tạo, câu trả lời là "không" hoặc "không phải lúc này". Giữ một danh sách "không phải ngay bây giờ" của bạn và chọn chúng khi thời điểm thích hợp.
Cách “đánh bại” Decidophobia chính là “chiến thắng” chính bản thân (Nguồn: Freepik)
Bên cạnh đó, UEH cũng có một số lời khuyên nhỏ dành cho các bạn trẻ. Đặc biệt là ở lứa tuổi sinh viên ngày nay, với sự phát triển mạnh mẽ của xã hội và công nghệ, dường như con người dần nhạy cảm và thường xuyên phải đối mặt với nhiều cảm xúc tiêu cực và áp lực chồng chất.
- Hãy tập giữ bình tĩnh: Khi bình tĩnh bạn mới có đủ sáng suốt để suy nghĩ tiếp tục và đưa ra những phán đoán. Để bản thân lo lắng, nhịp thở tăng cao thì bạn sẽ càng thấy sợ hơn. Bạn có thể đếm nhịp thở để thở đều đặn cũng như tăng sự tập trung.
- Tập tin tưởng bản thân nhiều hơn: Bất cứ khi nào bạn đưa ra quyết định, hãy đọc câu thần chú: “Bởi vì tôi tin tưởng chính tôi.” Hãy luôn lặp lại điều đó ngay từ những quyết định nhỏ nhặt nhất và không ngừng phát triển nó. Tin tưởng bản thân chính là yếu tố tiên quyết để vượt qua nỗi sợ này.
- Học hỏi từ sai lầm: Quyết định sai khiến bạn càng cảm thấy sợ hãi nhưng hãy nhớ, sai lầm có thể giúp bạn củng cố khả năng quyết định đáng kể. Sai lầm sẽ giúp bạn có thêm kinh nghiệm và đưa ra quyết định chính xác hơn rất nhiều. Lỗi lầm ai cũng có, biết sai mà sửa mới là người khôn ngoan.
Decidophobia có thể còn là một cái tên khá lạ đối với nhiều bạn tuy nhiên đây chắc chắn là tình trạng mà nhiều sinh viên hiện nay đang gặp phải. Ở cái tuổi phải bắt đầu tự chịu trách nhiệm với những hành động và quyết định của bản thân, khiến các bạn càng cảm thấy sợ hãi. Thế nhưng chính những quyết định ấy cũng là chìa khóa để bạn mở ra nhiều cơ hội cho bản thân. Vì vậy hãy kiên định, chủ động và tin tưởng vào bản thân bạn nhiều hơn nữa để làm chủ cuộc sống của chính mình nhé.
Nếu bạn đang phải đối mặt với những chuỗi quyết định đầy khó khăn và cần sự giúp đỡ, DSA sẽ luôn ở đây và sẵn sàng làm điểm tựa tinh thần cho các bạn và hỗ trợ các bạn hết mình. DSA chắc chắn sẽ là nơi bạn có thể tin tưởng để chia sẻ những nỗi niềm trắc trở cũng như những nỗi lo về đời sống học tập và làm việc của các bạn sinh viên. Thế nên, các bạn sinh viên hãy cứ thoải mái nhắn tin hoặc gửi email cho DSA để chia sẻ những tâm tư muộn phiền nhé!
Nguồn tham khảo:
Forbes Coaches Council. (2017). Expert Coaching Tips To Help You Overcome The Fear Of Making Decisions. Forbes. Retrieved from: //www.forbes.com/sites/forbescoachescouncil/2017/07/05/expert-coaching-tips-to-help-you-overcome-the-fear-of-making-decisions/?sh=39b161e3c923
Kaufmann, W. (1973). Without guilt and justice: From decidophobia to autonomy. Peter H. Wyden.
Psych Times. (2021). Decidophobia (Fear of making decisions). Retrieved from: //psychtimes.com/decidophobia-fear-of-making-decisions/
Tin, ảnh: Phòng Chăm sóc và hỗ trợ người học
Chia sẻ