Bạn đã hiểu đúng về nữ quyền?
07 tháng 03 năm 2024
Cụm từ “nữ quyền” đã và đang xuất hiện vô cùng phổ biến trong thời gian gần đây; gợi đến hình ảnh người phụ nữ mạnh mẽ qua các thời kỳ, dám cất lên tiếng nói bằng thế mạnh của bản thân; là hình tượng của hàng triệu phụ nữ trên toàn cầu. Thế nhưng, bạn có thật sự hiểu đúng về ý nghĩa của nữ quyền và ủng hộ nó một cách đúng đắn? Nhân ngày 8/3, hãy cùng Phòng Chăm sóc và hỗ trợ người học tìm hiểu thêm về vấn đề này nhé!
Nữ quyền là gì?
Nữ quyền (feminism) là hành động đấu tranh cho sự bình đẳng về quyền lợi và cơ hội cho mọi giới tính trong lĩnh vực xã hội, kinh tế và chính trị (Elinor et al., 2002). Những nhà hoạt động nữ quyền đã và đang đấu tranh để phụ nữ được tôn trọng về kinh nghiệm, bản sắc, kiến thức và thế mạnh của họ, đồng thời nỗ lực trao quyền phụ nữ thực hiện đầy đủ các quyền lợi của bản thân. Không chỉ thế, nữ quyền còn liên quan đến sự bình đẳng, đảm bảo rằng phụ nữ cũng như trẻ em gái đều có cơ hội như nhau trong cuộc sống (, n.d.)
Lịch sử phát triển của phong trào nữ quyền trên thế giới
Phong trào nữ quyền đã phát triển đáng kể trong nhiều thập kỷ qua, dần thay đổi và thích ứng với bối cảnh xã hội và văn hóa của từng thời kỳ. Các phong trào đấu tranh đã tạo nên những làn sóng nữ quyền (feminist waves) đặc trưng trong lịch sử, góp phần thực hiện mục tiêu bình đẳng giới.
Làn sóng đầu tiên: Quyền được bầu cử và sở hữu tài sản
Diễn ra vào cuối thế kỉ 19 đến đầu thế kỷ 20, làn sóng này chủ yếu xoay quay việc đòi quyền bầu cử và sở hữu tài sản cho phụ nữ. Với sự góp mặt của nhiều nhân vật nổi tiếng, tiêu biểu là nhà cải cách xã hội Susan B. Anthony và nhà hoạt động chính trị Emmeline Pankhurst, làn sóng đầu tiên đã giúp phụ nữ ở nhiều quốc gia đạt được quyền bầu cử, như New Zealand (1893), Phần Lan (1906), Anh, Nga và Canada (1917).
Làn sóng nữ quyền đầu tiên: Quyền được bầu cử (Nguồn: Simply Psychology)
Làn sóng thứ hai: Quyền lợi xã hội và pháp lý
Dựa trên nền tảng thành quả đạt được từ làn sóng đầu tiên, các nhà hoạt động nữ quyền đã mở rộng phạm vi đấu tranh liên quan đến nhiều vấn đề hơn, bao gồm sinh sản, tình dục, bạo lực gia đình và phân biệt đối xử trong công việc. Trong những thập niên cuối của thế kỷ 20, làn sóng thứ hai đã có tác động mạnh mẽ đến các khía cạnh văn hóa và xã hội, hình thành nên nhiều nhánh của phong trào:
Phong trào nữ quyền tự do (Liberal feminist movement): Tập trung đấu tranh để chính quyền ban hành các điều luật hướng đến bình đẳng giới, bao gồm cho phép phụ nữ được bình đẳng trong giáo dục và lao động.
Phong trào nữ quyền văn hóa (Cultural feminist movement): Nhấn mạnh sự khác biệt cơ bản giữa nam và nữ về mặt tự nhiên cũng như văn hóa. Tuy nhiên vẫn tôn trọng sự khác biệt, hướng đến sự hợp tác và bổ sung cho nhau. Phụ nữ trong thời kỳ này được đề nghị tham gia vào quá trình ra quyết định trong xã hội.
Phong trào nữ quyền cấp tiến (Radical feminist movement): Phong trào này cho rằng mọi người cần nhìn nhận vấn đề bất bình đẳng ở một bối cảnh lớn hơn, có nhiều cải cách quy mô hơn, đơn cử như kiến tạo một xã hội riêng biệt, trong đó phụ nữ giữ vai trò chính. Tuy nhiên, mục tiêu tạo nên một xã hội riêng biệt bị các nhà hoạt động trong phong trào khác đánh giá là phi hiện thực.
Phong trào nữ quyền xã hội chủ nghĩa (Socialist feminist movement): Các nhà ủng hộ phong trào này cho rằng sự áp bức phụ nữ có liên quan mật thiết đến sự bất công, phân biệt chủng tộc và rộng hơn là sự áp bức của các giai cấp trong xã hội. Chính vì vậy, quan điểm nữ quyền xã hội chủ nghĩa cho rằng cách duy nhất giải phóng phụ nữ là xóa bỏ xã hội có giai cấp, hay xóa bỏ chủ nghĩa tư bản.
Làn sóng thứ ba: Đề cao sự đa dạng cá nhân và thay đổi định kiến giới
Làn sóng nữ quyền thứ ba diễn ra vào cuối thế kỉ 20 đến hết thập niên đầu của thế kỷ 21, tập trung vào sự khác biệt và đa dạng của các cá nhân trong xã hội. Các nhà hoạt động yêu cầu phụ nữ cần được tôn trọng sự đa dạng về bản sắc của mỗi cá nhân, và xa hơn là tiếp cận mục tiêu xây dựng giáo dục bình đẳng, và quyền tự chủ thân thể (chống lạm dụng và hiếp dâm, quyền tiếp cận biện pháp tránh thai và dịch vụ sinh sản, chống quấy rối tính dục,...).
Làn sóng thứ tư: Đảm bảo quyền lợi cho phụ nữ và quan tâm nhiều hơn đến nam giới với sự hậu thuẫn của mạng Internet.
Vào thập niên đầu thế kỷ 21 đến nay, làn sóng thứ 4 tiếp tục diễn ra và gắn bó chặt chẽ với mạng Internet. Làn sóng tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh, với các chương trình nghị sự kêu gọi công lý cho phụ nữ, tạo cơ hội bình đẳng cho phụ nữ, trẻ em gái và cộng đồng LGBTQ+. Không chỉ thế, làn sóng này còn đề cập đến việc nam giới cần được nhận quyền bày tỏ cảm xúc và tình cảm một cách tự do, thể hiện bản thân như cách họ muốn.
Những định kiến về nữ quyền
“Nữ quyền chỉ có lợi cho phụ nữ”
Đây có lẽ là hiểu lầm khá phổ biến của mọi người khi nhắc đến cụm từ “Nữ quyền”, rằng phong trào chỉ đấu tranh cho phái nữ. Tuy nhiên, bản chất của nữ quyền là hướng đến sự bình đẳng giới và hơn thế là bình đẳng giữa con người. Phong trào nữ quyền hoạt động với mục tiêu xóa mờ đi rào cản về quyền lợi, cơ hội và cách nhìn nhận của xã hội đối với cả hai giới.
Tại Việt Nam, , nam giới Việt đang phải chịu khá nhiều áp lực, trong đó bao gồm trách nhiệm “làm trụ cột gia đình”. Người đàn ông đích thực phải có sự nghiệp thành công, có địa vị xã hội, luôn phải có tinh thần xông pha, mạnh mẽ, không được chùn bước hay yếu đuối. Bởi lẽ, đàn ông được trao bao nhiêu quyền lực, thì phải gánh chịu những kỳ vọng và áp lực tương đương. Và có thể, họ cũng không hề được hưởng lợi từ sự bất bình đẳng nhiều như chúng ta vẫn tưởng.
Vậy nên, nếu vai trò xã hội được phân chia bình đẳng thì không những phụ nữ có cơ hội để chứng tỏ và phát triển bản thân, đàn ông cũng được chia sẻ bớt gánh nặng. Sẽ không có gì là sai trái khi phụ nữ tham gia vào các lĩnh vực kinh tế, chính trị hay đàn ông ở nhà nội trợ, chăm sóc gia đình. Tất cả mọi người, không phân biệt giới tính, có quyền tự do lựa chọn công việc phù hợp với sở thích và khả năng của bản thân. Có thể thấy, nữ quyền không chỉ có lợi với phụ nữ, mà còn đem lại lợi ích cho toàn xã hội, hướng đến một mục tiêu chung mang tên “Bình đẳng”.
Nữ quyền nhằm hướng đến sự bình đẳng (Nguồn: Light.org.vn)
“Bản chất nam nữ là khác biệt nên đòi hỏi sự bình đẳng là bất khả thi”
Khi nhắc đến nữ quyền hay bình đẳng giới, một số tranh luận xuất hiện nhằm nhấn mạnh vào sự khác biệt giữa hai giới tính như “Bao giờ đàn ông sinh con đẻ cái được thì hẵng bàn” hay “Đòi hỏi bình đẳng nhưng lại không bắt buộc phụ nữ đi nghĩa vụ quân sự”. Thế nhưng, nữ quyền không phải là tạo ra một thang đo để xem ai là người yếu thế hơn, ai là người quan trọng hơn - mà là tìm hiểu và hiểu cách sự bất bình đẳng đã và đang ảnh hưởng đến phụ nữ và nam giới. Từ đó thay đổi để xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn.
Chúng ta cần làm rõ nữ quyền đang hướng đến sự “bình đẳng”, chứ không phải là sự “cào bằng” về quyền lợi và trách nhiệm. Nó không chối bỏ sự khác biệt giới tính, không cố gắng “đàn ông hóa” phụ nữ hay “nữ tính hóa” đàn ông. Nữ quyền thực sự là giải phóng khỏi các khuôn mẫu, và định kiến xã hội. Quay trở lại ví dụ trên, một khuôn mẫu của tạo hóa là phụ nữ phải mang thai và sinh con cho gia đình. Sự phá vỡ khuôn mẫu ở đây là trao quyền cho phụ nữ được tự do lựa chọn mình có mang thai và sinh con hay không. Tương tự, theo Luật Nghĩa vụ quân sự 2015, công dân nữ có thể thực hiện nghĩa vụ quân sự trong thời bình nếu tự nguyện và khi quân đội có nhu cầu.
Lại một lần nữa khẳng định, nữ quyền hướng tới sự bình đẳng. Bình đẳng để không còn ai bị phân biệt đối xử dựa trên giới tính, không còn tình trạng “trọng nam, khinh nữ”. Bình đẳng để tất cả đều được yêu thương và tôn trọng như nhau. Bình đẳng để mọi người có cơ hội ngang nhau trong việc tiếp cận tri thức, nguồn lực xã hội. Bình đẳng để cả nam và nữ có quyền lựa chọn cách sống của bản thân, có quyền làm những điều mình muốn để cống hiến hết mình cho xã hội.
“Chúng ta đã đạt được bình đẳng rồi, không cần đấu tranh nữa”
Thế giới chúng ta sống đang ngày càng phát triển, và chúng ta đang dần tiệm cận đến làn ranh bình đẳng giới. Bằng quan sát chủ quan, chúng ta có thể dễ dàng nhận định rằng phong trào nữ quyền đã thành công, phụ nữ giờ đây đã có thể tham gia bầu cử, có công việc làm ổn định, có nhiều chỗ đứng trong xã hội và ý kiến của họ được nhiều người tôn trọng. Thế nhưng, như thế liệu có đủ?
Báo cáo nghiên cứu "" công bố năm 2021 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam cho thấy, tỷ lệ tham gia thị trường lao động (TTLĐ) của phụ nữ Việt Nam cao đáng kể. Tuy nhiên, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động cao và tỷ lệ thất nghiệp thấp đã che lấp chất lượng việc làm tương đối kém hơn ở phụ nữ. Báo cáo đã chỉ ra rằng, phụ nữ chiếm đa số trong nhóm lao động phi chính thức đặc biệt thiệt thòi, đó chính là lao động gia đình - người giúp việc cho một thành viên của hộ tại cơ sở sản xuất kinh doanh theo định hướng thị trường. Những người này thường không nhận được các khoản lương cho công việc mà họ đã thực hiện theo thỏa thuận. Không chỉ thế, một điều đặc biệt đáng lưu ý ở TTLĐ Việt Nam là sự mất cân bằng giữa mức độ tham gia TTLĐ của nữ giới và tỷ trọng các vị trí lãnh đạo mà họ đảm nhiệm. 63,3% lao động trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là phụ nữ, nhưng chỉ hơn 1/3 (34,1%) trong số lãnh đạo doanh nghiệp là nữ.
Ngoài ra, phụ nữ Việt Nam đang đối mặt với “gánh nặng kép”. Họ có xu hướng tham gia làm việc nhà hơn nhiều so với nam giới và dành gấp đôi số giờ cho các công việc không tên trong gia đình. Điều này không chỉ gây ra sự bất bình đẳng giới mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe và hạnh phúc của họ. Theo , tại Việt Nam, tỷ lệ mắc trầm cảm sau sinh rơi vào khoảng 33% sản phụ. Những áp lực khi chăm sóc con cái và không được chia sẻ gánh nặng là một trong những nguyên nhân khiến các bà mẹ không được nghỉ ngơi đầy đủ, dẫn đến suy nhược cơ thể và tâm lý. Hơn nữa, việc phải chia sẻ thời gian và tâm trí cho nhiều vai trò khác nhau cũng làm giảm cơ hội của phụ nữ trong việc thăng tiến nghề nghiệp, học tập hay tham gia các hoạt động xã hội.
Tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động dành thời gian làm việc nhà, theo loại công việc cụ thể và số giờ trung bình hàng tuần dành cho việc này (2019) (Nguồn: Tổ chức Lao động Quốc tế tại Việt Nam)
Lời chúc dành cho một nửa thế giới…
Để kỷ niệm các cuộc đấu tranh đòi quyền lợi của phụ nữ trên toàn thế giới, Liên Hợp Quốc đã hợp thức hóa ngày Quốc tế Phụ nữ hay còn gọi là Ngày Liên Hợp Quốc vì Nữ quyền và Hòa bình Quốc tế vào tháng 12/1977. Đây là dịp phụ nữ được công nhận vì những thành tựu của mình, giáo dục và nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, kêu gọi thay đổi tích cực cho xã hội,... Thông qua bài viết này, Phòng Chăm sóc và hỗ trợ người học (DSA) hy vọng các bạn có thêm nhiều kiến thức bổ ích và nhận thức đúng đắn về nữ quyền, cũng như không bị ảnh hưởng bởi những định kiến sai lệch. Là sinh viên UEH, hãy cùng công nhận, tôn trọng và có những hành động thiết thực để bảo vệ phụ nữ. Bằng nỗ lực của mình, chúng ta có thể góp phần xây dựng một UEH bình đẳng và xa hơn là một xã hội không còn phân biệt giới tính, nơi tất cả mọi người có thể sống và phát triển đúng với mong ước của bản thân.
Cuối cùng, nhân ngày Quốc tế Phụ nữ, hãy cùng DSA gửi lời tri ân đến người bà, người mẹ, người vợ, và chị/em gái trong gia đình đã luôn yêu thương, chăm sóc chúng ta. Chúc cho toàn thể các bạn nữ luôn tự tin vào bản thân, gặp được nhiều may mắn, thành công và tìm thấy hạnh phúc của mình.
Tin, ảnh: Phòng Chăm sóc và hỗ trợ người học
Tài liệu tham khảo
Anastasia. (2019, December 5). Đừng hiểu sai: Nữ quyền không phải là ghét nam giới. Vietcetera. Retrieved March 1, 2024, from //vietcetera.com/vn/dung-hieu-sai-nu-quyen-khong-phai-la-ghet-dan-ong
Burkett, E. (2002, June 21). Feminism | Definition, History, Types, Waves, Examples, & Facts. Britannica. Retrieved March 5, 2024, from //www.britannica.com/topic/feminism
Đỗ, P. (2022, March 21). Toxic masculinity - Tính nam độc hại và áp lực mang tên "nam tính". Vietcetera. Retrieved March 1, 2024, from //vietcetera.com/vn/toxic-masculinity-la-gi
Dương, N. (2023, November 10). Tháng hành động vì bình đẳng giới năm 2023. VnEconomy. Retrieved March 1, 2024, from //vneconomy.vn/thang-hanh-dong-vi-binh-dang-gioi-nam-2023.htm
Dương, T. (2021, March 4). ILO: Chưa đến 1/4 phụ nữ Việt Nam nắm giữ vị trí quản lý. VnEconomy. Retrieved March 1, 2024, from //vneconomy.vn/ilo-chua-den-1-4-phu-nu-viet-nam-nam-giu-vi-tri-quan-ly.htm
Hoa, L. (2023, October 20). Hiệu quả từ phong trào thi đua Giỏi việc nước, đảm việc nhà. Đại biểu Nhân dân. Retrieved March 1, 2024, from //daibieunhandan.vn/doi-song/hieu-qua-tu-phong-trao-thi-dua-gioi-viec-nuoc-dam-viec-nha-i346932/
Lê, Q. (2022, April 2). Nữ quyền - Báo Đại biểu Nhân dân. Đại biểu Nhân dân. Retrieved March 1, 2024, from //daibieunhandan.vn/van-nghe/Nu-quyen-i285449/
Lê, T. T., & Lê, H. T. M. (2021, 3). Sự phát triển tư tưởng bình đẳng giới nhìn từ các làn sóng nữ quyền. Tạp chí giáo dục lý luận, 56-62.
Tổ chức Lao động Quốc tế. (2021). Tóm tắt nghiên cứu: Giới và thị trường lao động ở Việt Nam. International Labour Organization. Retrieved March 1, 2024, from //www.ilo.org/wcmsp5/groups/public/---asia/---ro-bangkok/---ilo-hanoi/documents/publication/wcms_774433.pdf
Tổng Cục Thống Kê. (2024, January 2). Tình hình thị trường lao động Việt Nam năm 2023. Tổng cục Thống kê. Retrieved March 1, 2024, from //www.gso.gov.vn/du-lieu-va-so-lieu-thong-ke/2024/01/tinh-hinh-thi-truong-lao-dong-viet-nam-nam-2023/
Trần, H. (2019, August 22). Phụ nữ có đang tự giới hạn bản thân mình? Vietcetera. Retrieved March 1, 2024, from //vietcetera.com/vn/phu-nu-co-dang-tu-gioi-han-ban-than-minh
Vietnam Youth Alliance. (2022). Nữ quyền: Làm sao để hiểu cho đúng? Vietnam Youth Alliance. Retrieved February 29, 2024, from //vnyouthally.org/nu-quyen-lam-sao-de-hieu-cho-dung/#Nu_quyen_la_gi
What Is Feminism? | IWDA. (n.d.). International Women's Development Agency. Retrieved February 29, 2024, from //iwda.org.au/learn/what-is-feminism/
Yên, Đ. (2013, December 17). “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” không chỉ dành cho nữ giới. PLO. Retrieved March 1, 2024, from //plo.vn/gioi-viec-nuoc-dam-viec-nha-khong-chi-danh-cho-nu-gioi-post258141.html
Chia sẻ